Đường dẫn truy cập

Điều trần về tình hình nhân quyền VN trước Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ


Dân biểu Frank Wolf, đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos
Dân biểu Frank Wolf, đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos

Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc hội Hoa Kỳ là một ủy ban gồm 200 dân biểu và nghị sĩ thuộc cả hai chính đảng lớn của Mỹ, cùng hợp tác để nâng cao nhận thức về các vấn đề nhân quyền trên thế giới. Cuộc điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam do Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos tổ chức, vừa diễn ra tại Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba 15 tháng Năm. Hoài Hương có mặt trong buổi điều trần và tường trình như sau.

Chủ tọa phiên điều trần là Dân biểu Đảng Cộng Hòa Frank Wolf, Đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos. Ông là dân biểu cao cấp nhất trong tất cả 11 vị dân cử đại diện bang Virginia, ông còn có chân trong Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ, một ủy ban có thế lực đặc trách các vấn đề chi tiêu của chính phủ.

Ông còn được biết tiếng về lập trường mạnh mẽ ủng hộ cho nhân quyền. Khai mạc buổi điều trần, Dân biểu Wolf bày tỏ quan tâm rằng từ khi Washington bình thường hóa thương mại với Hà Nội, dọn đường cho Việt Nam gia nhập WTO, rồi sau đó rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đáng quan tâm về tự do tôn giáo (CPC), Hoa Kỳ đã mất đi một đòn bẫy để có thể thuyết phục Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền.

Dân biểu Frank Wolf mạnh mẽ chỉ trích Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam:

“Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thất bại khi nói tới vấn đề nhân quyền”.

Ông bày tỏ sự phẫn nộ của ông về trường hợp Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, một công dân Mỹ gốc Việt đang bị giam cầm ở Việt Nam.

“Thử tưởng tượng một công dân Mỹ gốc Việt đang bị cầm giữ trong nhà tù!”

Dân biểu Frank Wolf nói nếu đây là một chính phủ do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo, thì ông đã đề nghị sa thải Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

Trong phần điều trần của ông, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Michael Posner nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước lượng Việt Nam đang cầm giữ khoảng 100 tù nhân lương tâm. Ông nhắc tới trường hợp blogger Điếu Cày, Luật sư Lê Công Định, Linh mục Nguyễn văn Lý mà ông mô tả là một trong những kiến trúc sư của phong trào dân chủ ở Việt Nam.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Hà Nội trả tự do lập tức và vô điều kiện cho Linh mục Nguyễn văn Lý và tiếp tục làm việc để bênh vực những vị vừa nêu tên cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác.”

Ông Posner nói Việt Nam đã tăng cường các biện pháp hạn chế thông tin, cả thông tin trên báo in và các phương tiện truyền thông khác như Tivi và mạng internet. Ông đặc biệt đề cập tới điều khoản 79 và 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam, mà ông cho là mơ hồ và không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các luật mơ hồ đó, và sẽ tiếp tục làm điều đó”

Trợ lý Ngoại trưởng Posner nói chính phủ Hoa Kỳ còn quan tâm tới những hạn chế đối với quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam. Ông kết luận:

“Chúng tôi tiếp tục coi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam là đáng buồn và không thể chấp nhận được. Chính phủ Mỹ tiếp tục nêu lên những vấn đề này như tôi đã làm trong cuộc đối thoại hồi mùa Thu vừa rồi. Đại sứ của chúng ta vẫn liên tục theo đuổi vấn đề này. Chúng tôi nêu rõ với chính phủ Việt Nam rằng ý định của hai nước muốn thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược sẽ tùy thuộc vào liệu Việt Nam có đạt được những tiến bộ đáng kể về mặt nhân quyền hay không. Chúng tôi không hài lòng về những gì đang xảy ra. Ngoại trưởng Clinton và nhiều người khác trong Bộ Ngoại giao vẫn tiếp tục nêu lên vấn đề nhân quyền. Thế cho nên chúng tôi cũng có cùng quan điểm với ông Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos về những gì đang diễn ra. Nhân quyền là một vấn đề hệ trọng, là trọng tâm trong quan hệ với Việt Nam, và trong tương lai sẽ tiếp tục là trọng tâm trong quan hệ hai nước. ”

Ngoài Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Michael Posner, còn có 3 người Việt ra điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos hôm thứ Ba: Bà Ngô Mai Hương, vợ Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân vừa bị bắt ở Việt Nam, ông Võ văn Ái, Chủ tịch Quê Mẹ: Hành động cho Dân chủ Việt Nam, một tổ chức tranh đấu có trụ sở ở Paris, và Luật sư Đỗ Phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị đài truyền hình SBTN.

Nói chuyện với Ban Việt ngữ Đài VOA sau phiên điều trần, bà Mai Hương cho biết về tình trạng của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, và mục đích của bà khi ra điều trần tại Quốc hội Mỹ:

“Dạ thưa từ khi anh bị bắt, Lãnh sự quán ở Sàigòn có được thăm anh ấy một lần. Họ bảo là sức khỏe của anh tốt. Hôm nay tôi tới đây là để trình bày với hội nghị nhân quyền hôm nay, vì ở đây ai cũng kêu chồng tôi là một người đấu tranh cho dân chủ, nhưng tôi muốn nói về khía cạnh con người của anh ấy, về một người thầy giáo. Tôi cũng muốn dùng cơ hội này để nói giúp cho những người vợ của các nhà dân chủ trong nước, những người mà không có một sự giúp đỡ nào thì hôm nay, tôi cũng mong được giúp họ trong việc đó.”

Trong phần điều trần của đài truyền hình SBTN, Luật sư Đỗ Phủ đề cập tới vấn đề tự do báo chí. Ông nói:

“Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam khoe khoang sự phát triển lớn mạnh của báo chí truyền thông trong nước, nói rằng Việt Nam có tới hơn 550 hãng thông tấn và 700 nhà in, tất cả những thực thể đó đều thuộc quyền sở hữu hoặc do Hà nội kiểm soát, trong khi không có chỗ đứng nào cho những quan điểm khác biệt.”

Luật sư Đỗ Phủ nói chính quyền Việt Nam đã chuốc lấy những tai tiếng đáng xấu hổ, như bị Tổ chức Ký giả Không biên giới coi là một “kẻ thù của Internet”, và thường xuyên bị xếp hạng thấp trong bảng đánh giá của Tổ chức Freedom House.

Từ Paris đến để điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, ông Võ văn Ái nhận định:

“Tôi thấy buổi điều trần hôm nay hết sức là hữu ích, bởi vì có rất nhiều nhân chứng đặc biệt, bên phía Ủy hội Hoa Kỳ bảo vệ Tự do tôn giáo trên thế giới nói rất rõ về vấn đề tôn giáo tại Việt Nam. Mặt khác thì có 3 chúng tôi cũng trình bày mỗi người một khía cạnh. Tôi nghĩ rằng đối với Hà Nội thì họ luôn luôn đàn áp tôn giáo, đàn áp nhân quyền, nhưng khi nghe tiếng nói của Hoa Kỳ đặc biệt là Quốc hội Hoa Kỳ, nói lên cái thảm trạng về đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền thì chắc chắn rằng nó sẽ có một tác động nào đó, giúp ích cho những người hiện đang bị tù ở trong nước. Như chúng tôi đã trình bày, có 177 người tù, về hiện trạng của họ thì rất rõ ràng họ không có tội gì cả nhưng chỉ vì nói lên cái tự do ngôn luận mà lại bị tù, thành ra tôi nghĩ rằng các cuộc điều trần như thế này giúp ích rất lớn cho những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở tại Việt Nam.”

Dân biểu Frank Wolf tuyên bố tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam phải là một ốc đảo tự do và cho rằng đương kim Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam không làm tròn nhiệm vụ khi nói tới vấn đề nhân quyền. Trả lời Ban Việt ngữ về những đả kích nặng nề đó sau phiên điều trần, dân biểu Wolf nói:

“Ông ấy thất bại trong công việc, chúng ta đứng trước tình huống một công dân Mỹ bị cầm tù, mà ông ấy không làm được gì cả.”

Ông chỉ trích Đại sứ Mỹ ở Việt Nam là đã không vào thăm Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân trong nhà tù, và nói rằng nếu bà Ngô Mai Hương về Việt Nam thăm chồng, Hoa Kỳ sẽ tạo mọi điều kiện cho bà trong việc này.

Ông hối thúc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hãy mở cửa sứ quán, mời những nhân vật tranh đấu ôn hòa, yêu dân chủ và tự do vào để ăn mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ ngày 4 tháng 7 sắp tới. Ông nói:

“Tổng Thống Reagan đã từng nói rằng những lời lẽ trong Hiến Pháp và Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ là một 'giao kèo' với cả thế giới, và điều đó có nghĩa là cả với những người ở Việt Nam hiện nay, cũng như người Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới.”

Dân biểu Frank Wolf còn mời đài SBTN về Việt Nam để tường trình sự kiện này, và nói rằng đó sẽ là một cuộc trắc nghiệm đối với Đại sứ Schear. Ông Wolf nói nếu không làm được điều đó, thì ông đáng bị triệu hồi vì đã không làm tròn nhiệm vụ.

Dân biểu Frank Wolf nói ông tin rằng người dân Việt Nam một ngày nào đó sẽ được hưởng tự do, nhưng cho tới ngày đó, Hoa Kỳ phải và nên là “tiếng nói” ủng hộ cho tự do.

VOA Express

XS
SM
MD
LG