Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ ngưng chế tài Miến Điện


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (phải) và Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (phải) và Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin
  • Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với chế độ quân sự Miến Điện
  • Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Miến Điện được ban hành cách đây 15 năm đã được Washington đình chỉ hôm thứ Năm 17 tháng 5 năm 2012. Những biện pháp này gồm có:


  • - Không cấp visa

  • - Hạn chế những dịch vụ tài chánh

  • - Cấm nhập khẩu hàng hóa Miến Điện

  • - Cấm người Mỹ đầu tư vào Miến Điện

  • - Hạn chế trợ giúp của Hoa Kỳ đối với Miến Điện


  • Việc Hoa Kỳ cấm vận vũ khí đối với Miến Điện vẫn còn hiệu lực. Thêm vào những trừng phạt này, hiện Miến Điện vẫn còn chịu một số trừng phạt được qui định rõ theo luật pháp Hoa Kỳ căn cứ trên một số vấn đề khác nhau gồm có:


  • - Sử dụng lính trẻ em

  • - Buôn lậu ma túy

  • - Buôn người

  • - Rửa tiền

  • - Không bảo vệ tự do tôn giáo

  • - Vi phạm quyền của người lao động

  • - Đe dọa hòa bình thế giới và an ninh của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ tuyên bố một thời kỳ mới trong quan hệ với Miến Điện, với quyết định tạm ngưng áp dụng các biện pháp chế tài và chỉ định người giữ chức đại sứ Mỹ đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này trong vòng hơn 20 năm.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố như vậy hôm thứ Năm trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin, giới chức cấp cao của Miến Điện đầu tiên đến thăm chính thức

Vị ngoại trưởng Mỹ nói rằng Hoa Kỳ ngưng áp dụng các biện pháp chế tài, một bước tiến mà bà cho là thích đáng vào lúc này.

Bà Clinton cũng cho biết bà dự kiến các công ty Mỹ có thể làm ăn trong mọi lãnh vực ở Miến Điện trừ phi cách làm việc hoặc tiếng tăm của những công ty đối tác ở Miến Điện không phù hợp với chính sách của Mỹ về trách nhiệm doanh nghiệp.

Dưới áp lực quốc tế, chính quyền quân nhân Miến Điện đã từ bỏ quyền lực và tổ chức bầu cử đa đảng hồi năm ngoái. Từ đó tới nay, chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự đã thả hàng trăm tù nhân chính trị và dọn đường cho lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi phát động một chiến dịch thành công để tham gia quốc hội.

Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin cho biết chính phủ Miến Điện cảm kích trước sự thừa nhận của Hoa Kỳ.

Ông Maung Lwin nói rằng ông đã ngỏ lời cám ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ về việc hậu thuẫn cho những nỗ lực cải cách của Miến Điện và bày tỏ quyết tâm theo đuổi con đường cải cách dân chủ.

Ngoại trưởng Clinton cũng đã loan báo rằng đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về Miến Điện, ông Derek Mitchell, sẽ được đề cử làm đại sứ ở Miến Điện. Ông Maung Lwin đã đáp lại là đại sứ của Miến Điện sẽ được phái tới Washington.

Tuy nhiên bà Clinton cho hay Hoa Kỳ sẽ duy trì lệnh cấm vận vũ khí và những luật lệ khác liên hệ tới việc chế tài Miến Điện vì Washington muốn thấy quân đội Miến Điện được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ dân sự.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG