Đường dẫn truy cập

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án bạo động ở Syria


Người biểu tình cầm kinh Koran trong cuộc biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bên ngoài sứ quán Syria ở Istanbul, ngày 3/8/2011
Người biểu tình cầm kinh Koran trong cuộc biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bên ngoài sứ quán Syria ở Istanbul, ngày 3/8/2011

Trong khi xe tăng của Syria pháo kích vào thị trấn điểm nóng Hama hồi hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã khắc phục được sự chia rẽ trong nhiều tháng qua và cực lực lên án tình hình bạo lực đang tiếp diễn. Cơ quan nhiều quyền lực nhất của Liên Hiệp Quốc đã bầy tỏ sự “quan ngại nghiêm trọng” trước tình hình ngày càng xấu đi ở Syria, nơi 1700 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác đã bị bắt hoặc mất tích kể từ khi chính phủ Syria bắt đầu một cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào người biểu tình đòi dân chủ hồi trung tuần tháng 3. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc, thông tín viên VOA Margaret Besheer tường thuật rằng việc Hội đồng này đạt được sự đồng thuận không phải là dễ dàng.

Trong thông cáo, Hội đồng Bảo an lên án “những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan và việc nhà cầm quyền Syria sử dụng vũ lực nhắm vào thường dân.” Hội đồng cũng kêu gọi chính quyền Syria “tôn trọng đầy đủ nhân quyền và tuân thủ các nghĩa vụ theo luật quốc tế,” và cảnh báo rằng những người gây bạo động phải nhận lãnh trách nhiệm.

Hội đồng Bảo an còn yêu cầu chấm dứt ngay tức khắc tất cả các hành vi bạo lực và kêu gọi cả hai bên tự chế, kể cả những vụ tấn công vào các cơ sở nhà nước, ý nói các hành vi bạo động của người biểu tình, và điểm này đã được bao gồm để thỏa mãn Nga cùng các thành viên khác cảm thấy rằng quy trách cho chính phủ không thôi là không công bằng. Nhưng các nhà ngoại giao Tây phương đã nhấn mạnh rằng không thể đánh đồng những gì người biểu tình đã làm để tự vệ với những gì mà chính phủ đã thực hiện một cách sai trái để chống lại nhân dân của chính mình.

Hội đồng cũng nhấn mạnh rằng giải pháp duy nhất cho vụ khủng hoảng là qua một tiến trình chính trị do Syria đứng đầu nhắm mục tiêu “giải quyết các quan tâm và nguyện vọng chính đáng” của nhân dân Syria. Và Hội đồng nêu ra rằng chính phủ Assad đã hứa cải cách nhưng đã không đạt được tiến bộ trong việc thực thi các cải cách đó và hối thúc chính phủ phải thực hiện các cam kết của mình.

Nhưng sau khi toàn thể hội đồng chấp thuận bản tuyên bố, thì đồng minh thân cận và nước láng giềng của Syria là Lebanon, đã vận dụng một kẽ hở trong thủ tục ít khi được áp dụng và tự tách mình ra khỏi bản tuyên bố. Phó đại sứ Caroline Ziade phát biểu qua một thông dịch viên:

Bà Ziade nói mặc dù bày tỏ sự hối tiếc sâu xa đối với sự tổn thất sinh mạng của các nạn nhân vô tội và đã gửi lời chia buồn với gia đình, Lebanon vẫn đặt hy vọng vào Syria, vào nhân dân và đất nước Syria, và mong rằng công cuộc cải cách sẽ dẫn tới tiến bộ và sự phồn thịnh. Nhưng bởi vì Lebanon coi bản tuyên bố đang được thảo luận trong cuộc họp hôm nay là không giúp ích gì trong việc giải quyết tình hình ở Syria cho nên Lebanon tự tách mình ra khỏi bản tuyên bố của chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Nhưng Đại sứ Anh Mark Lyall Grant nói rằng việc Lebanon tách rời ra không phải là sự kiện chưa hề xảy ra bao giờ và nó cũng không làm chệch hướng thông điệp thống nhất và rõ ràng của Hội đồng gửi cho chế độ Syria.

Ông Grant nói: “Các hành động dã man phải chấm dứt ở Syria. Nước này phải tìm đường đi theo một hướng ổn định. Điều này chỉ có thể đạt được qua việc đình chỉ ngay lập tức các hành vi bạo lực và thực thi một cách không chần chờ các cải cách chính trị sâu rộng, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, và thực tâm chịu trách nhiệm về các hành vi tàn ác nhắm vào người biểu tình.”

Hoa Kỳ và các thành viên châu Âu đã vận động cho một nghị quyết, văn kiện có tính mạnh hơn bản tuyên bố của chủ tịch Hội đồng đã được thông qua. Nhưng các nỗ lực này đã vấp phải sự ngăn chặn của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, là những nước lo ngại rằng một nghị quyết có thể dẫn đến tình hình tương tự như tình hình ở Libya, nơi Hội đồng đã cho phép lập một vùng cấm bay và thực hiện các cuộc oanh kích có mục tiêu để bảo vệ những người biểu tình chống chính phủ bị lực lượng an ninh của lãnh tụ Moammar Gadhafi tấn công.

Người từng hay lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực ờ Syria, ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tuyên bố vụ đàn áp ngày càng mạnh bạo của quân đội trong nhiều ngày qua là “cực kỳ đáng lên án.”

Tổng thư ký LHQ nói: “Một lần nữa, tôi kêu gọi Tổng thống Assad và chính quyền Syria tức khắc chấm dứt mọi hành vi bạo lực chống lại nhân dân của mình, tôn trọng đầy đủ nhân quyền và thực thi các cải cách mà họ đã loan báo. Tôi cũng kêu gọi họ tuân thủ yêu cầu của Hội đồng Bảo an dành sự tiếp cận độc lập và không bị trở ngại cho các cơ quan nhân đạo quốc tế, và hợp tác đầy đủ với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền.”

Ông Ban nói với các phóng viên rằng tất cả những vụ sát hại phải được điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch, và những người gây ra những cái chết này phải nhận lãnh trách nhiệm.

Theo các điều khoản trong bản tuyên bố của Hội đồng Bảo an, ông Ban phải cập nhật với Hội đồng trong vòng 7 ngày sắp tới về tình hình ở Syria.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG