Đường dẫn truy cập

Tuần Duyên Philippines tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông


Đô đốc Artemio Abu, Tư lệnh Lực lượng Tuần Duyên Philippines (PCG).
Đô đốc Artemio Abu, Tư lệnh Lực lượng Tuần Duyên Philippines (PCG).

Lực lượng Tuần Duyên Philippines đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách triển khai thêm tàu và tiến hành thêm các chuyến xuất kích cũng như các chuyến bay để bảo vệ lãnh hải và ngư dân Philippines, người đứng đầu lực lượng này cho biết ngày 6/2.

Những tuyên bố chủ quyền sâu rộng của Bắc Kinh đối với tuyến đường thủy này đã khiến Manila nhiều lần phàn nàn. Philippines đã tăng cường những lời lẽ chống lại các hoạt động xây dựng của Trung Quốc và việc các tàu Trung Quốc tràn ngập tuyến đường thủy giàu tài nguyên này.

“Chúng tôi đảm bảo rằng ngư dân trong khu vực sẽ cảm nhận được sự hiện diện của các tàu tuần duyên”, Đô đốc Artemio Abu, Tư lệnh Lực lượng Tuần Duyên Philippines (PCG), nói trong một cuộc phỏng vấn.

Tháng trước, PCG cho biết đã nhận được báo cáo rằng một tàu đánh cá Philippines đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc buộc rời khỏi Bãi Cỏ Mây, địa phương gọi là Bãi cạn Ayungin, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila không trả lời khi được yêu cầu bình luận về vụ việc vào thời điểm đó. Trung Quốc tuyên bố rạn san hô đó là lãnh thổ của họ.

“Chúng tôi đang tăng cường sự hiện diện của mình,” Đô đốc Abu nói. Người đứng đầu PCG được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh, gác lại tranh chấp lãnh thổ lâu đời, để đổi lấy đầu tư.

Ông Abu nói: “Ngay khi có báo cáo, các tàu tuần duyên của chúng tôi sẽ có mặt ở đó vì chúng được dành riêng và chủ yếu cho mục đích đó”.

Lực lượng Tuần Duyên gồm 26.000 người có 25 tàu chính có thể được sử dụng để triển khai và tuần tra.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, nơi có khoảng 3 nghìn tỷ đô la thương mại bằng tàu biển đi qua hàng năm. Khu vực này đã trở thành điểm nóng cho căng thẳng của Trung Quốc và Hoa Kỳ xung quanh các hoạt động hải quân.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, người kế nhiệm ông Duterte, đã thề sẽ không để mất một tấc lãnh thổ nào vào tay bất kỳ thế lực nước ngoài nào, thu hút sự cổ vũ từ những người ủng hộ phán quyết trọng tài năm 2016 vô hiệu hóa các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Kể từ năm 2002, Philippines đã nộp 200 công hàm và phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tháng trước, Tổng thống Marcos đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai bên đã tái khẳng định rằng quốc gia của họ sẽ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Tuần trước, ông Marcos đã chấp thuận yêu cầu của Hoa Kỳ về việc mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines, khi Washington tìm cách mở rộng các giải pháp an ninh như một phần trong nỗ lực ngăn chặn những gì họ coi là chính sách hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ngũ Giác Đài cũng cho biết riêng rằng Mỹ và Philippines đã “đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông để giúp giải quyết những thách thức này.”

Đô đốc Abu nói việc lực lượng Tuần Duyên mua các tàu tiên tiến hơn, bao gồm tàu phản ứng đa năng dài 97 mét vào năm ngoái, đã cho phép họ tăng số lượng và thời gian của các chuyến đi ở Biển Đông.

“Chúng tôi có thể ở đó lâu hơn, xa hơn và giờ đây chúng tôi có thể bao phủ một khu vực rộng lớn hơn,” ông Abu nói.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG