Đường dẫn truy cập

Tại sao Mỹ muốn hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Philippines?


Chiến hạm Mỹ USS Shiloh (CG-67) đậu tại một cảng dọc Vịnh Subic, phía bắc Manila, Philippines.
Chiến hạm Mỹ USS Shiloh (CG-67) đậu tại một cảng dọc Vịnh Subic, phía bắc Manila, Philippines.

Philippines trong tuần này cho phép Hoa Kỳ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của Philippines giữa những lo ngại gia tăng về ý định của Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị và các yêu sách rộng lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông đang tranh chấp.

Hoa kỳ và Philippines đã nhất trí những gì?

Philippines sẽ cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm bốn địa điểm nữa theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) năm 2014, cho phép huấn luyện chung, bố trí trước thiết bị và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự, nhưng không phải là một sự hiện diện vĩnh viễn.

Khi công bố thỏa thuận, nâng tổng số địa điểm EDCA lên chín, hai bên không chỉ định vị trí của các cơ sở mới, lưu ý rằng họ vẫn đang tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương.

Cựu chỉ huy quân sự của Manila cho biết năm ngoái Washington đã yêu cầu tiếp cận các căn cứ trên hòn đảo chính phía bắc Luzon, phần gần nhất của Philippines với Đài Loan và trên Palawan, gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.

Chuyên gia Đông Nam Á Gregory Poling tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết các địa điểm sẽ nằm trong “khu vực chiến lược” và có khả năng bao gồm các cơ sở hải quân và có lẽ là các cơ sở thủy quân lục chiến.

Ông nói: “Việc lựa chọn các địa điểm mới ở Luzon sẽ có ý nghĩa quan trọng nhất” và liệt kê cơ sở mới của Hải quân Philippines tại Nhà máy đóng tàu Hanjin cũ ở Vịnh Subic và một cơ sở ở phía bắc Luzon, chẳng hạn như ở tỉnh Cagayan ven biển, như những khả năng khác.

Tại sao Philippines lại quan trọng đối với Hoa Kỳ?

Philippines là thuộc địa cũ của Hoa Kỳ và trở thành đồng minh theo hiệp ước của Hoa Kỳ vào năm 1951, năm năm sau khi giành độc lập. Trong Chiến tranh Lạnh, đây là nơi đặt một số căn cứ lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ, những cơ sở quan trọng đối với các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc của Philippines đã buộc Washington phải từ bỏ những thỏa thuận đó vào những năm 1990, nhưng kể từ đó, hai đồng minh đã hợp tác chống khủng bố và đối phó với áp lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Philippines có tuyên bố chủ quyền.

Trong số năm đồng minh theo hiệp ước của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan - Philippines gần Đài Loan nhất, vùng đất Luzon ở cực bắc của nước này chỉ cách đó 200 km.

Các chuyên gia cho biết Luzon rất được quân đội Mỹ quan tâm vì là một địa điểm tiềm năng cho các hệ thống rốc-két, phi đạn và pháo có thể được sử dụng để chống lại một cuộc xâm lược đổ bộ vào Đài Loan.

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ gọi EDCA là ưu tiên của chính quyền Biden và là “một phần trong nỗ lực chiến lược của chúng tôi trên toàn khu vực.”

Môi trường chính trị để tiếp cận quân sự nhiều hơn đã được cải thiện dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos sau một thời kỳ quan hệ rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, người tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng việc Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của Philippines làm suy yếu sự ổn định khu vực và làm gia tăng căng thẳng.

“Đây là một hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/2.

Xung đột Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến Philippines thế nào?

Ông Poling nói rằng Manila sẽ khó giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột với Đài Loan do vị trí gần và các nghĩa vụ theo hiệp ước của Manila đối với Washington. Đây sẽ là điểm đến khả dĩ nhất cho những người tị nạn Đài Loan và khoảng 150.000 người Philippines sống trên đảo sẽ gặp nguy hiểm trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.

Ông Jose Manuel Romualdez, đại sứ của Manila tại Washington và là họ hàng của ông Marcos, cho biết vào năm ngoái, Manila sẽ chỉ cho phép các lực lượng Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ của mình trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan “nếu điều đó quan trọng đối với chúng tôi, vì an ninh của chính chúng tôi.”

Phát biểu với Reuters trong tuần này, ông Romualdez nhấn mạnh đến các công nhân Philippines ở Đài Loan và cho biết Manila sẽ tôn trọng hiệp ước phòng thủ với Hoa Kỳ.

Manila mong đợi được gì?

Ông Poling nói cung cấp ngân sách cho Manila để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang đã bị lãng quên từ lâu của họ là chìa khóa. Washington gần đây đã công bố 100 triệu đô la tài trợ quân sự nước ngoài và 82 triệu đô la cho các địa điểm EDCA, nhưng số tiền này rất nhỏ so với những gì Washington gửi đến Trung Đông và Ukraine.

“Yêu cầu thứ hai của Philippines là tiếp tục cam kết rõ ràng để bảo vệ người dân Philippines ở Biển Đông,” ông Poling nói. “Họ có những ngôn từ đó, nhưng câu hỏi đặt ra cho cả hai bên là, họ có thực sự sử dụng nó không? Nếu có một cuộc tấn công của Trung Quốc vào một căn cứ của Philippines ở Biển Đông vào ngày mai, liệu người Mỹ có thực sự làm được gì không? Và điều đó không rõ ràng, đó là một lý do khác khiến EDCA rất quan trọng.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG