Đường dẫn truy cập

TT Hàn Quốc: TT Trump đáng được trao giải Nobel Hòa bình


Nhiều hy vọng đang trông chờ vào cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim.
Nhiều hy vọng đang trông chờ vào cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực chấm dứt thù địch với Bắc Triều Tiên.

Một giới chức của Dinh Ngói Xanh nói với truyền thông báo chí rằng Tổng thống Moon phát biểu trong cuộc họp với các bộ trưởng cấp cao rằng “Tổng thống Trump xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình. Điều chúng ta cần chính là hòa bình.”

Ông Moon và lãnh tụ Kim Jong Un trong cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên sau hơn một thập niên hôm thứ Sáu vừa rồi đã cam kết chấm dứt thù địch giữa hai nước Triều Tiên và cùng làm việc với nhau để “giải trừ hạt nhân hoàn toàn” trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Trump đang chuẩn bị họp thượng đỉnh với ông Kim. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng cuộc họp sẽ diễn ra trong ba hay bốn tuần nữa.

Giới chức Dinh Ngói Xanh cho biết rằng nội dung chính của cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim sắp tới sẽ là những nội dung trong cuộc nói chuyện riêng của của ông Moon và ông Kim hôm thứ Sáu ở biên giới hai nước.

Hồi tháng 1, ông Moon nói rằng “Tổng thống Trump xứng đáng được ghi công cho nỗ lực mang lại các cuộc họp liên Triều. Kết quả đó có được một phần có thể do các lệnh chế tài và áp lực của quốc tế do Mỹ dẫn đầu.”

Tổng thống Moon đề xuất giải Nobel Hòa bình để đáp lại một thông điệp của bà Lee Hee-ho, quả phụ của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, chúc mừng rằng ông Moon xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình.

Ông Moon đáp lại rằng Tổng thống Trump xứng đáng được trao giải thưởng hòa bình cao quý đó.

Cố Tổng thống Kim Dae-jung, người lập ra chính sách Ánh dương theo chủ trương hoà hợp với Bắc Triều Tiên, được trao giải Nobel Hòa bình năm 2000 sau những nỗ lực đưa đến cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên với cố lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Il.

Trong cuộc họp hôm thứ Hai 30/4, Tổng thống Moon đề xướng thực hiện một cuộc nghiên cứu chung về các dự án kinh tế của Bắc Triều Tiên mà không vi phạm các lệnh chế tài quốc tế đang áp dụng đối với miền bắc.

Giới chức Dinh Ngói Xanh trích lời Tổng thống Moon nói rằng: “Cuộc nghiên cứu sẽ khuyến khích các chương trình không liên quan đến các lệnh chế tài, đồng thời tìm hiểu những khả năng hai miền Triều Tiên có thể cùng hợp tác thực hiện khi các lệnh chế tài được bãi bỏ trong tương lai.”

Chính quyền của Tổng thống Trump đã dẫn đầu chiến dịch quốc tế trừng phạt nghiêm khắc Bắc Triều Tiên vì nước phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm Chủ nhật nói rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục áp lực của các lệnh chế tài cho đến khi nào chế độ Kim Jong Un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Giới chức Dinh Ngói Xanh cho biết Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm với Tổng thống Moon hôm thứ Bảy đã bày tỏ vui mừng về việc hai nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hoá hoàn toàn trong cuộc gặp thượng đỉnh.

Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Trump và ông Moon “nhấn mạnh rằng một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào điều kiện giải trừ hạt nhân hoàn toàn, kiểm chứng được và không đảo ngược được.”

Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Moon nói với hãng tin Reuters hồi tuần trước rằng chính phủ Hàn Quốc đã chuẩn bị một “lộ đồ toàn diện” được chia sẻ với Hoa Kỳ trước cuộc họp của Tổng thống Trump với ông Kim.

Hàn Quốc tin tưởng Bắc Triều Tiên hơn sau thượng đỉnh

Sự lạc quan tin tưởng ở Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên đã tăng cao sau cảm giác phấn khởi về cuộc họp thượng đỉnh hồi tuần trước, khi hai nhà lãnh đạo tuyên bố chấm dứt thù địch và cùng hướng đến giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Một cuộc thăm dò hôm thứ Sáu – ngày diễn ra cuộc họp thượng đỉnh – cho thấy 64,7% tin rằng Bình Nhưỡng sẽ giải trừ hạt nhân và giữ lấy hòa bình. Trước cuộc họp, chỉ có 14,7% tin vào điều đó.

Thị trường Chứng khoán Nam Triều Tiên tăng hôm thứ Hai, trong đó có việc cổ phiếu của các công ty xây dựng, các nhà chế tạo tàu lửa và sản xuất sắt thép tăng vì hy vọng vào các dự án kinh tế chung với miền Bắc.

Thượng đỉnh kế tiếp

Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Moon sau thượng đỉnh tăng đến 70% -- mức cao nhất tính từ giữa tháng 1.

Tuy nhiên, tuyên bố chung hôm thứ Sáu để lại nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhất là “giải trừ hạt nhân” thực sự có ý nghĩa gì và cách thức như thế nào. Nhiều hy vọng đang trông chờ vào cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim sắp tới.

Các hoạt động ngoại giao đang tất bật diễn ra trước thượng đỉnh Kim-Trump. Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng, cho hay sẽ cử Ngoại trưởng Vương Nghị sang Bắc Triều Tiên thứ Tư và thứ Năm tuần này.

Cuối tuần vừa qua, giám đốc tình báo của Hàn Quốc đã sang Tokyo họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Thôi phóng thanh tuyên truyền

Trong một bước nhỏ hướng tới hoà giải, Hàn Quốc hôm thứ Hai cho hay sẽ tháo dỡ hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền dọc biên giới, trong khi đó Bắc Triều Tiên nói sẽ đổi giờ của nước họ lại cho cùng giờ với Hàn Quốc.

Truyền thông nhà nước cho hay Bình Nhưỡng sẽ lùi giờ của họ lại 30 phút để có cùng giờ với Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 5/5.

Hãng thông tấn KCNA nói rằng quyết định được đưa ra sau khi lãnh tụ Kim cảm thấy “đau lòng” khi nhìn hai chiếc đồng hồ treo ở phòng họp thượng đỉnh chỉ hai giờ khác nhau.

Giờ của miền Bắc được đặt ra vào năm 2015 để đánh dấu 70 năm Triều Tiên được giải phóng khỏi ách độ hộ của quân phiệt Nhật sau Thế chiến thứ II. Hàn Quốc và Nhật Bản có cùng múi giờ, trước giờ quốc tế GMT chín tiếng.

Dinh Ngói Xanh cho hay ông Kim cũng nói với ông Moon tại thượng đỉnh rằng ông sẽ mời các chuyên gia và phóng viên báo chí của Mỹ và Hàn Quốc đến chứng kiến khi nước ông vô hiệu hoá địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG