Đường dẫn truy cập

Trung Quốc ủng hộ nỗ lực quốc tế để tiêu diệt khủng bố


Chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ boong tàu bay của tàu sân bay USS George HW Bush (CVN 77) để thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu IS ở Syria.
Chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ boong tàu bay của tàu sân bay USS George HW Bush (CVN 77) để thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu IS ở Syria.

Mỹ không kích nhóm IS ở Syria

Các cuộc không kích trong đêm nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo được tiến hành bởi một liên minh gồm:

•Mỹ
•Bahrain
•Jordan
•Qatar
•Ả Rập Xê-út
•Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

Một sự phối hợp các chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, máy bay không người lái và phi đạn Tomahawk đã được sử dụng trong vụ tấn công.

Nguồn: Reuters, Ngũ Giác Đài

Trong lúc những vụ không kích của Mỹ bắt đầu nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria, Trung Quốc nói rằng họ ủng hộ các nỗ lực quốc tế để tiêu diệt khủng bố. Theo tường thuật của thông tín viên Bill Ide của đài VOA ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho rằng cuộc chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo là một sự kéo dài của những nỗ lực của họ ở trong nước để chống lại những người mà họ gọi là những thành phần cực đoan tôn giáo ở Tân Cương.

Trung Quốc có phần chắc sẽ không cung cấp hỗ trợ cho Hoa Kỳ và những nước tham gia liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, Bắc Kinh tin rằng cuộc chiến đấu đó diễn ra song song với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ứng phó với tình hình rối loạn ngày càng tăng ở nước họ.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết như sau.

Bà Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc đã liên tiếp nói rõ sự chống đối kiên quyết với tất cả mọi hình thức khủng bố và cộng đồng quốc tế phải hợp tác với nhau để chống khủng bố, kể cả việc hỗ trợ cho những nước đang ra sức duy trì an ninh và ổn định ở nước họ.

Giống như những nỗ lực chống khủng bố ở các nước khác, cuộc chiến đấu trong nước của Trung Quốc chống lại điều mà họ gọi thành phần cực đoan tôn giáo là một nguồn gây tranh luận. Những vụ tấn công trong năm vừa qua ở Trung Quốc, hầu hết là ở Tân Cương, đã nhắm vào thường dân nhiều dân. Tuy nhiên, căn nguyên của những vụ này là điều gây tranh cãi và chính phủ hạn chế một cách nghiêm nhặt đối với việc truy cập những thông tin về những gì đã xảy ra.

Các nhóm của người Uighur ở nước ngoài nói rằng chính sách đàn áp tôn giáo và văn hóa ở Tân Cương làm cho căng thẳng leo thang. Bên trong Trung Quốc, những người nêu nghi vấn về các chính sách của chính phủ đối với Tân Cương đã bị làm im tiếng, đôi khi thông qua tòa án.

Ngày hôm nay, giới hữu trách Trung Quốc đã tuyên án tù chung thân cho ông Ilham Tohti, một học giả người Uighur nổi tiếng, vì điều gọi là “âm mưu chia cắt đất nước.” Học giả này lâu nay vẫn được nhiều người xem là cố gắng xóa bỏ hố chia rẽ giữa người Hán và người Uighur theo đạo Hồi ở Tân Cương. Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu, Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức nhân quyền đã hối thúc Trung Quốc trả tự do cho ông.

Bản án của ông Tohti, cùng với những chính sách nặng tay chống lại người Uighur ở Tân Cương, theo dự liệu sẽ làm cho chính phủ ở Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế đối với cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Quốc.

Cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, Trung Quốc đang tìm cách xác định xem bao nhiêu công dân của họ đã gia nhập hàng ngũ của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Quân đội Iraq mới đây cho biết họ đã bắt một công dân Trung Quốc chiến đấu bên cạnh chiến binh Nhà nước Hồi giáo. Và ông Ngô Tích Khắc, cựu đặc sứ Trung Quốc về Trung Đông, nói rằng có thể có tới 100 người Trung Quốc đang chiến đấu với các nhóm cực đoan ở Trung Đông.

Hôm qua, tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã trực tiếp liên kết Nhà nước Hồi giáo với những người mà họ gọi là phần tử cực đoan ở Tân Cương. Tường thuật của báo này nói rằng các phần tử cực đoan Tân Cương đang được huấn luyện ở Iraq, Syria và những nước khác ở Á châu.

Chỉ vài ngày trước đó, tờ báo này cảnh báo cộng đồng quốc tế và giới truyền thông chớ nên vội vã kết luận về Nhà nước Hồi giáo. Trong bài viết nói tới việc Trung Quốc nên thận trọng đối với những vụ không kích nhắm vào Nhà nước Hồi giáo, tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng có nhiều điều còn chưa biết rõ về “khuôn mặt thật” của Nhà nước Hồi giáo.

Bài viết nói rằng trong lúc các cơ quan truyền thông Tây phương đề cập rất nhiều về sự tàn bạo và quá khích của nhóm Nhà nước Hồi giáo, những nguồn tin khác nhau đã lưu ý tới việc nhóm này “cung cấp điện nước ở những khu vực mà họ chiếm đóng” và điều hành “các tiệm bánh, ngân hàng, trường học, tòa án và đền thờ.”

Tờ Hoàn cầu Thời báo kết luận rằng vẫn chưa rõ Nhà nước Hồi giáo là một tổ chức khủng bố hay là một sản phẩm của chính trị Trung Đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG