Đường dẫn truy cập

Trung Quốc nói sẽ hợp tác với Triều Tiên thắt chặt 'tình hữu nghị truyền thống'


Choe Ryong Hae (trái), phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Triều Tiên, bắt tay Tống Đào, bộ trưởng bộ liên lạc đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Hội trường Mansudae, Bình Nhưỡng, ngày 17 tháng 11, 2017.
Choe Ryong Hae (trái), phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Triều Tiên, bắt tay Tống Đào, bộ trưởng bộ liên lạc đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Hội trường Mansudae, Bình Nhưỡng, ngày 17 tháng 11, 2017.

Tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên là "tài sản quý báu" cho nhân dân hai nước, Trung Quốc nói sau khi đặc sứ của nước này hội kiến một quan chức cao cấp của Triều Tiên, nhưng không nhắc gì đến cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Tống Đào, bộ trưởng bộ liên lạc đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang thăm Bình Nhưỡng để thảo luận về kết quả của Đại hội Đảng kết thúc hồi gần đây ở Trung Quốc mà tại đó Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực.

Trong một thông cáo ngắn đề ngày thứ Sáu nhưng được truyền thông Trung Quốc đưa tin ngày thứ Bảy, bộ liên lạc đối ngoại cho biết ông Tống, người đại diện ông Tập, đã báo cáo với ông Choe Ryong Hae về kết quả đại hội.

Ông Tống và ông Choe cũng bàn về quan hệ giữa hai đảng và hai nước, bộ này nói.

"Họ nói rằng tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên được thiết lập và vun đắp bởi các nhà cựu lãnh đạo của cả hai nước, và là tài sản quý báu cho nhân dân hai nước," bộ nói.

"Hai bên phải hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai đảng và hai nước để có lợi cho cả hai dân tộc."

Bộ không đề cập đến chương trình hạt nhân hay phi đạn của Triều Tiên vốn bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.

Thông tấn xã chính thức KCNA của Triều Tiên cho biết ông Tống đã báo cáo "chi tiết" với ông Choe về Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc, và nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc phát triển vững chắc quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng và hai nước.

Ông Tống đến ngày thứ Sáu nhưng không rõ sẽ ở Triều Tiên bao lâu.

Trung Quốc đã nhiều lần thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng về việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn để chở chúng, nhưng trong những tháng gần đây Trung Quốc chỉ có những cuộc trao đổi cấp cao hạn chế với Triều Tiên.

Lần cuối cùng đặc sứ Trung Quốc cho Triều Tiên đến thăm nước này là vào tháng 2 năm ngoái.

Chuyến đi của ông Tống diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Bắc Kinh trong chuyến công du Châu Á, nơi ông hối thúc nhiều hành động hơn để kiềm chế Triều Tiên, đặc biệt là từ Trung Quốc, nước có 90 phần trăm khối lượng thương mại với Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG