Đường dẫn truy cập

Trung Quốc nói không có rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân


Các chuyên gia kiểm tra một lò phản ứng đang được xây dựng tại nhà máy hạt nhân Đài Sơn, trong bức ảnh chụp ngày 17/10/2013. Trung Quốc phủ nhận thông tin của CNN cho rằng có rò rỉ ở nhà máy điện hạt nhân này.
Các chuyên gia kiểm tra một lò phản ứng đang được xây dựng tại nhà máy hạt nhân Đài Sơn, trong bức ảnh chụp ngày 17/10/2013. Trung Quốc phủ nhận thông tin của CNN cho rằng có rò rỉ ở nhà máy điện hạt nhân này.

Trung Quốc hôm 16/6 nói rằng không có rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn và họ đã không nâng mức phóng xạ cho phép gần nhà máy, đáp lại tin tức mà CNN đã loan báo hồi đầu tuần này.

CNN hôm 14/6 đưa rin rằng Framatome, công ty Pháp thiết kế các lò phản ứng (cho Trung Quốc), cho biết cơ quan quản lý an toàn hạt nhân của Trung Quốc đã nâng giới hạn về mức độ bức xạ cho phép bên ngoài nhà máy ở tỉnh Quảng Đông để tránh phải đóng cửa.

Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, bộ chủ quản của cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của nước này, hôm 16/6 nói rằng cáo buộc nêu trên hoàn toàn "sai".

Bộ này cho biết Cục Quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia (NNSA) đã xem xét các thông số kỹ thuật cho các loại khí trơ được sử dụng trong chất làm mát lò phản ứng tại Đài Sơn, nhưng điều này "không liên quan gì đến việc phát hiện bức xạ bên ngoài nhà máy hạt nhân".

Theo Bộ này, họ đã phát hiện thấy sự gia tăng mức bức xạ trong mạch chính của lò phản ứng tổ máy số 1 của Đài Sơn, nhưng nó nằm trong giới hạn về thông số hoạt động an toàn.

Sự gia tăng là do hư hỏng lớp bọc của một số ít thanh nhiên liệu, một điều bình thường trong quá trình sản xuất, vận chuyển và nạp nhiên liệu, Bộ cho biết trên tài khoản mạng xã hội Wechat.

Bộ này nói rằng "việc rà soát môi trường ở khu vực lân cận nhà máy Đài Sơn không phát hiện thông số bất thường nào ... cho thấy không có rò rỉ nào xảy ra".

Theo Bộ này cho biết, khoảng 5 trong số hơn 60.000 thanh nhiên liệu ở lõi của lò phản ứng Tổ máy số 1 ước tính đã bị hư hại, chiếm dưới 0,01% trong tổng số, thấp hơn nhiều so với mức thiết kế tối đa là 0,25%.

Bộ còn cho biết họ sẽ giám sát chặt chẽ mức độ phóng xạ tại lò phản ứng, đồng thời duy trì liên lạc với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng như cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của Pháp.

Hôm 14/6, Framatome cho biết họ đang đánh giá tình hình tại nhà máy Đài Sơn, nơi mà công ty này nói là đang hoạt động nằm trong các thông số an toàn theo dữ liệu có sẵn.

Dự án Đài Sơn, ở tỉnh Quảng Đông, cách Hong Kong khoảng 200km, là một liên doanh giữa Tổng Công ty Điện Hạt nhân Trung Quốc với Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF). Dự án được hoàn thành vào năm 2019 và bao gồm hai lò phản ứng thế hệ thứ ba do Pháp thiết kế.

Trung Quốc hiện có 49 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động toàn công suất, nhiều thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Pháp.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xếp hạng các sự cố an toàn hạt nhân theo thang điểm từ 1 đến 7. Trung Quốc cho biết các nhà máy của họ chưa bao giờ trải qua bất kỳ sự cố nào cao hơn mức 2. Cả thảm họa Fukushima lẫn Chernobyl đều là mức 7.

Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra các hướng dẫn chất lượng mới cho lĩnh vực này vào cuối năm ngoái.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi các hướng dẫn được công bố, cơ quan này cho biết "các vấn đề chất lượng" đã xuất hiện trong quá trình xây dựng các lò phản ứng trong những năm gần đây.

Cơ quan này còn cho biết quá trình mua sắm thiết bị tập trung quá nhiều vào việc giảm thiểu chi phí và quá trình thiết kế thường không đầy đủ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không nêu tên cụ thể của bất kỳ lò phản ứng nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG