Đường dẫn truy cập

Trung Quốc hy vọng dựa vào tiêu thụ nội địa để cải cách kinh tế


Khách hàng chọn nón tại một quầy hàng trong khu buôn bán quận Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
Khách hàng chọn nón tại một quầy hàng trong khu buôn bán quận Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
Lâu nay Trung Quốc vẫn tìm cách chuyển từ một nền kinh tế xuất khẩu qua một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào mức chi tiêu trong nước. Nay có các dấu hiệu cho thấy các nỗ lực đó đang mang lại hiệu quả, một phần qua các chương trình nhằm khích lệ chi tiêu của giới du khách trong nước. Giữ cho xu hướng đó đi theo đúng hướng là một ưu tiên hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sắp họp vào tháng 11 này.

Các điểm hấp dẫn nổi tiếng như Chùa Lama thu hút số du khách Trung Quốc ngày càng đông hàng năm.

Trong một dịp nghỉ lễ, một du khách trong số này, tự nhận là Chu, nói ông và gia đình ông đã lái xe 1.500 kilomét từ Tứ Xuyên để đi thăm Cấm Thành và các danh lam thắng cảnh khác.

Ông Chu nói: “Nay chúng tôi có những ngày nghỉ lễ, nghỉ phép. Chúng tôi có xe hơi riêng và chính phủ miễn nộp phí xa lộ. Chúng tôi có thể dành ra một khoản tiền để chi tiêu trong dịp nghỉ lễ. Tất cả đều rất thuận lợi.”

Tuy mức chi trong nước ở Trung Quốc đang gia tăng, mức chi tiêu của các gia đình vẫn còn thấp hơn nhiều so với các gia đình ở phương Tây.

Mức chi của người tiêu thụ vẫn chỉ chiếm chưa đến 1/2 mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tại Hoa Kỳ, mức này chiếm tới hơn 2/3.

Kinh tế gia Song Hong nói các hộ gia đình Trung Quốc trở nên giàu có hơn, việc mua một chiếc xe là dấu hiệu cho thấy mức chi cao hơn.

Ông giải thích: “Nhiều hộ gia đình ao ước mua một chiếc xe hơn, và một khi đã đáp ứng được nhu cầu này, thì họ sẽ đi du lịch và tiêu tiền và hưởng thụ các dịch vụ khác.”

Số bán lẻ tăng hơn 13% vào tháng 8, mức cao nhất trong năm nay. Trong dịp quốc lễ của Trung Quốc vào tháng 10, nước này đã ghi được một kỷ lục mới về mức chi, khi 31 triệu du khách chi ra hơn 140 tỷ đôla.

Một thách thức chủ yếu là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người Trung Quốc thuộc mọi thành phần xã hội chi tiền thường xuyên hơn. Giáo sư Song Hong nói mức thu nhập không đồng đều ở các thành phố và mức tiết kiệm cao ở nông thôn vẫn là một trở ngại lớn.

Giáo sư Hong phân tích: “Vấn đề là ở các vùng nông thôn, nơi hệ thống xã hội mới chỉ đang được thiết lập và mức tiêu thụ vẫn còn thấp.”

Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách khuyến khích tiêu thụ nhiều hơn qua các chính sách thân thiện với xe hơi như trợ giá nhiên liệu trong dịp quốc lễ và miễn nộp phí xa lộ.

Cô sinh viên Lan Lan và bạn bè đến Bắc Kinh từ tỉnh Tân Cương miền tây. Trong chuyến đi xa nhà đầu tiên từ trước đến nay, họ đang cẩn thận trong việc tiêu tiền.

Cô Lan Lan kể: “Chúng tôi nhận làm việc bán thời gian, để dành tiền và thêm một chút tiền túi của gia đình để đi du lịch.”

Khi các nhà lãnh đạo Cộng sản họp vào tháng 11 để phác thảo các chính sách kinh tế cho 5 năm sắp tới, người ta trông đợi họ sẽ tập trung vào việc làm thế nào để biến việc chi tiêu của các hộ gia đình thành một lực đẩy kinh tế, giống như tại các nước khác.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG