Đường dẫn truy cập

Trung Quốc học hỏi Hoa Kỳ để chỉnh sửa lực lượng cảnh sát


Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn bất cứ lúc nào trước đây trong một nỗ lực để nâng cấp lực lượng cảnh sát trong nước, nhưng Trung Quốc cũng đang tìm cách thay đổi phương pháp thi hành công lực bằng cách quay sang Hoa Kỳ để có được những ý niệm.

Các giới chức thi hành công lực Hoa Kỳ và các chuyên gia đã cố vấn cho Trung Quốc về lực lượng cảnh sát nói Bắc Kinh đang tìm cách nâng cấp hệ thống đã lỗi thời đầy dẫy những phương pháp xưa cũ để làm biên bản tội hình sự, những trang cụ và xe cộ cũ kỹ cũng như thiếu sự tin cậy của quần chúng.

Trung sĩ Erik Branson thuộc Phòng Cảnh sát Đô thị tại Washington D.C đã từng viếng thăm Trung Quốc để nói chuyện với các giới chức thi hành công lực nước này về chiến thuật của Hoa Kỳ cho biết:

“Người Trung Quốc thực sự đang cố tìm cách đào tạo một lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp khác hẳn với việc chỉ thuê một người nào đó, phát đồng phục cho họ và đưa họ đến một khu nào đó rồi bảo họ hãy bảo vệ đảng.”

Ông Branson nói các giới chức tòa đại sứ Trung Quốc tiếp cận với ông sau khi đọc một bài báo về vai trò của ông trong việc giúp dẹp các tội phạm và ma túy tại một công viên ở Washington.

Lực lượng cảnh sát Trung Quốc được trung ương hóa cao độ và không chia ra địa phương, tiểu bang và liên bang như ở Hoa Kỳ. Tại Trung Quốc, Bộ Công An chịu trách nhiệm thi hành công lực hàng ngày. Tuy nhiên ông Branson nói các viên chức ông nói chuyện ít quan tâm đến hệ thống liên bang và quan tâm nhiều hơn đến công việc cảnh sát ở địa phương, như là việc ông đi tuần tra bằng xe đạp như thế nào và phát triển mối liên hệ tốt đẹp với những thành viên của cộng đồng ra làm sao để những người này trở thành “tai mắt” của ông ngay tại chỗ.

Ông Branson nói thêm: “Chú trọng vào địa phương vì đây là nơi có những vấn đề về tham nhũng và nổi dậy.” Ông Branson cho biết là cảnh sát Trung Quốc muốn được chuyên nghiệp hóa bằng cách học cách cảnh sát Hoa Kỳ tuần tra như thế nào, giao dịch với cộng đồng ra sao cũng như đối phó với truyền thông đại chúng như thế nào.

Trao đổi sinh viên

Một phương cách cảnh sát Trung Quốc học hỏi là hòa mình vào hệ thống Hoa Kỳ. Trong 3 năm qua, chỉ có 15 sinh viên ưu tú của trường đại học cảnh sát Triết Giang tại Hàng Châu, Trung Quốc đã học về cách xét xử các tội phạm trong một năm tại đại học bang Texas Sam Houston ở Huntsville.

Ông Vincent Webb, khoa trưởng và giám đốc của trường đại học nổi tiếng về việc xét xử tội phạm nói là một sự trao đổi như thế có ý nghĩa:

“Tôi cho rằng có nhiều sự quan tâm hơn về những xáo trộn dân sự tại Trung Quốc mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Theo tôi điều người ta càng ngày càng lo ngại hơn là cảnh sát phải liên hệ đến cộng đồng như là những người nắm giữ một loạt các quyết định khác nhau, nhận diện vấn đề và triển khai những giải pháp. An ninh công cộng là một con đường hai chiều. Nếu bạn luôn luôn đi ra ngoài với những trang cụ chống bạo loạn, bạn sẽ phải cần nhiều cảnh sát hơn.”

Những nhận xét của ông Webb phát xuất từ các con số thống kê. Con số mà chính phủ Trung Quốc gọi là những “sự kiện tập thể” tăng lên từ chưa đến 10.000 trong năm 1993, lên đến khoảng 90.000 trong năm 2010, theo như những cuộc nghiên cứu được chính phủ Trung Quốc yểm trợ. Con số những cuộc tập họp công cộng mà các giới chức e ngại có thể làm rối loạn ổn định xã hội, có thể còn cao hơn nữa, nhưng Bắc Kinh đã chấm dứt không công bố thêm những thống kê trong những năm gần đây.

Những cuộc tập họp biểu tình này là do các công dân càng ngày càng bất bình vì tham nhũng và lạm quyền của các giới chức địa phương.

Hai ông Branson và Webb đều nói cảnh sát Trung Quốc có thể nhận chân ra rằng cần phải xây dựng niềm tin đối với người dân nếu muốn giữ gìn trật tự, và điều đó có nghĩa là phát triển đối tác với người dân để giải quyết và phòng ngừa tội phạm.

Cảnh sát cộng đồng

Cảnh sát cộng đồng, chú trọng đến việc xây dựng các quan hệ đối tác được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ trong những năm 1990 nhưng đã có những thoái trào tại một số khu vực khi các nhân viên thi hành công lực chú trọng nhiều đến an ninh nội địa sau cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001.

Giáo sư Dennis Bowman thuộc Trường Thi hành Công lực và Quản trị Tư pháp tại trường đại học Western của bang Illinois nói ông nghĩ cảnh sát cộng đồng thích hợp nhất đối với Trung Quốc.

Ông nói: “Về phương diện quan điểm, theo ý kiến của tôi mô hình này hấp dẫn được Trung Quốc. Tuy nhiên chúng ta không biết những yếu tố nào của cảnh sát cộng đồng đặc biệt làm họ chú ý.”

Giáo sư Bowman nói thêm là đối với Trung Quốc “để làm đúng, phải có một kiểu chính phủ dân chủ hơn” bởi vì việc này chú trọng đến việc phân quyền và sự tham gia tích cực của người dân.

Cách thức cảnh sát cộng đồng của Hoa Kỳ hoạt động có phần chắc sẽ gặp những rào cản tại Trung Quốc khi đề cập đến thông tin và minh bạch. Chính phủ kiểm soát chặt chẽ truyền thông và nỗ lực hạn chế việc thảo luận công khai về những bất ổn.

Ông Bowman nói: “Cho đến nay họ chỉ ghi nhận điều đó.” Nhưng họ quan tâm đến việc nghe những ý kiến.

Bà Lucy Caldwell, phát ngôn viên của cảnh sát quận Fairfax, vùng ngoại ô Washington D.C vừa mới được mời nói chuyện tại Diễn đàn Quốc tế về Cảnh sát và Truyền thông tại Hàng Châu nói là những tham dự viên Trung Quốc quan tâm đến việc học hỏi những công cụ căn bản mà cảnh sát quận bà sử dụng để liên lạc với công chúng, làm cách nào để xây dựng sự tin cậy và sự tín nhiệm và làm thế nào bày tỏ thông cảm với người dân.

Bà nói: “Quần chúng phải biết là bạn quan tâm trước khi họ quan tâm đến những gì bạn biết.”

Văn hóa cách biệt

Những sinh viên trao đổi của Trung Quốc tại trường đại học tiểu bang Sam Houston được nhìn thấy tại chỗ về phương pháp này. Trong khuôn khổ việc học, các sinh viên trải qua một tuần lễ với cảnh sát thành phố League City hay Alvin, Texas. Trong thời gian này, họ sống với các gia đình cảnh sát Mỹ và đi trong các xe tuần thám cảnh sát, chứng kiến việc thi hành công lực cũng như đời sống ngoài giờ làm việc.

Giáo sư Phillip Lyons, thuộc trường đại học tiểu bang Sam Houston nói: “Để phù hợp với ý niệm giao tiếp với cộng đồng, tôi nghĩ là chuyện hợp lý để nối kết những sinh viên này với cộng đồng cho họ có thể thấy việc làm của cảnh sát Mỹ từ bên trong một xe cảnh sát.”

Cô Crystal Ye sắp chấm dứt một năm học tại trường đại học nói cô coi trọng vai trò của cô.

Cô nói: "Theo quan điểm của tôi làm một nhân viên cảnh sát là một công việc vinh dự. Đây là một phần hội nhập của một xã hội trưởng thành."

Cô Ye nói cô rất phấn khích về số lượng những trang cụ công nghệ cao và những thống kê nhân viên công lực Hoa Kỳ sử dụng và nói thêm là phương pháp tương tự có thể được sử dụng tại Trung Quốc.

Dù vậy có những điểm không được đả thông. Cô Ye nói cô ngạc nhiên là cảnh sát Mỹ mang súng, cô nói người dân mang súng là bất hợp pháp tại Trung Quốc, do đó cảnh sát không cần phải mang súng. Cô cũng nói nhiều cảnh sát Trung Quốc không có quyền bắt giữ người.

Giáo sư Lyons cho biết ông nói cho sinh viên Trung Quốc đi theo cảnh sát Mỹ trong một vụ bắt giữ là phải ngồi trong xe cho đến khi an toàn mới được đi ra ngoài.

Ông nói: “Chúng tôi giải thích là đôi khi người dân không thích sự can thiệp của cảnh sát, và chúng tôi nói với họ là người này có thể la lối om xòm. Một sinh viên hỏi có bao giờ họ dùng những lời lẽ thô tục hay không. Tôi nói là có và anh ta hỏi, có phải lúc đó ông bắn họ không? Đối với họ chuyện này như là miền Tây hoang dã lúc xưa.”

Giáo sư Lyons nói khi ông hỏi một sinh viên là điều gì làm anh ta ngạc nhiên nhiều nhất về cảnh sát Mỹ, câu trả lời là “quyền lực cảnh sát có.”

Ông Lyons nói thêm: “Điều này thực sự làm cho tôi dội ngược. Đây là một người từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc nói về quyền lực của cảnh sát Mỹ.”

Tuy nhiên có những ví dụ mới đây về cảnh sát Trung Quốc có nhiều quyền lực như thế nào khi nói đến những giới chức của chính quyền địa phương.

Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích cảnh sát Trung Quốc và lực lượng an ninh trong những tháng gần đây tiếp theo những tiết lộ về việc đàn áp mạnh bạo chống tội phạm tại Trùng Khánh của lãnh tụ đảng Cộng Sản bị thất sủng Bạc Hy Lai, và vụ giam giữ không theo luật pháp nhà hoạt động mù Trần Quang Thành. Những diễn biến này làm phát sinh những lời kêu gọi mới của các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc quét sạch tham nhũng và tình trạng tội phạm không bị trừng phạt tại cấp địa phương.

Phục vụ luật pháp và trật tự?

Trong khi Bắc Kinh quan tâm dến vấn đề cảnh sát cộng đồng và liên lạc nhiều hơn với công dân là điều thấy rõ, mức độ Trung Quốc thi hành những bài học lãnh hội của Hoa Kỳ vẫn còn là một điều bí mật.

Ông Phelim Kine thuộc tổ chức Human Rights Watch nói Bắc Kinh sẽ áp đặt cách thức riêng của họ đối với hệ thống phương Tây. Ông nói Trung Quốc có thể tìm cách làm sống lại mô hình trước đây của Mao, được gọi là những Ủy ban khu vực.

Những Ủy ban này theo ông Kine trên căn bản là “những tay chân của đảng cộng sản ở tại chỗ và là tai mắt trông chừng những người gây xáo trộn và những người bên ngoài… tìm những phần tử chống cách mạng.”

Ông Kine nói các Ủy ban này đã sống dậy trong suốt Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 vì được xem như có giá trị trong việc giữ gìn trật tự vào một thời điểm mà mọi chú tâm đều dồn vào Trung Quốc.

Ông nói: “Đây là một mô hình cũ, như ma cà rồng được cho sống trở lại.”

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington trong một tuyên bố nói Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đã đạt được những “kết quả tích cực” với việc trao đổi các chuyến thăm viếng, điều tra chung, chia sẻ tình báo và huấn luyện thực thi công lực.

Bản tuyên bố nói: "Trao đổi sinh viên giữa các trường huấn luyện nhân viên công lực của hai nước để học hỏi về những triết lý và chiến thuật cảnh sát tiên tiến sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tăng cường thêm sự hợp tác thực tiễn và tăng tiến những mối hợp tác bền vững và lành mạnh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên lãnh vực thi hành công lực."

Tuy nhiên ông Kine nghi ngờ về những gì Trung Quốc có thể học hỏi được từ phương Tây.

Ông nói: “Một trong những điều chúng ta ghi nhận với cảnh giác là ngành an ninh Trung Quốc nhìn vào những việc thực hành tốt nhất của các nước phương Tây để xây dựng những cái bẫy tốt hơn nhằm củng cố chế độ thay vì thi hành công lực thực sự tại Trung Quốc. Cảnh sát do nhà nước kiểm soát. Cảnh sát không phải là trọng tài vô tư và không phải công bộc để thực thi luật pháp và trật tự.”

Tòa đại sứ Trung Quốc không trả lời nhận xét của ông Kine dù có nhiều nỗ lực yêu cầu bình luận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG