Đường dẫn truy cập

Trung Quốc chưa định khai thác Nam cực


Thủy thủy đoàn Tàu tuần duyên Mỹ Polar Star chụp ảnh tại biển băng Ross Sea ngoài khơi Nam Cực ngày 11/1/2017.
Thủy thủy đoàn Tàu tuần duyên Mỹ Polar Star chụp ảnh tại biển băng Ross Sea ngoài khơi Nam Cực ngày 11/1/2017.

Trung Quốc có kế hoạch mở rộng nghiên cứu khoa học tại Nam cực trong thời gian tới giữa những quan ngại về biến đổi khí hậu tại khu vực này, nhưng không có kế hoạch tức thì khai thác những tài nguyên thiên nhiên có thể bị ảnh hưởng khi khu vực băng giá của Nam cực thu hẹp lại, giới chức chính phủ Bắc Kinh loan báo ngày 22/5.

Trung Quốc ngày càng quan tâm đến lục địa băng giá này và sự chú ý này càng lộ rõ khi Bắc Kinh tổ chức cuộc họp với hơn 40 quốc gia giám sát việc quản lý Nam cực theo một hiệp ước vào năm 1959.

Hoạt động của con người tại Nam cực bị chi phối bởi những thỏa thuận chỉ định vùng này là một vùng bảo tồn thiên nhiên. Những nghị định thư này cũng cấm thiết lập các căn cứ quân sự và khai thác tài nguyên thiên nhiên, dù có những lời đồn đoán là Trung Quốc một ngày nào đó có thể tìm cách khai thác các trữ lượng khoáng sản của Nam cực để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nước nhà.

Trung Quốc ký hiệp ước Nam cực vào năm 1983 và kể từ đó đã thiết lập 4 trạm nghiên cứu. Trung Quốc cũng có kế hoạch bắt đầu xây một sân bay vào cuối năm nay và một trạm nghiên cứu thứ 5 vào năm 2018, và đang đóng một tàu phá băng để tăng cường cho chiếc Xue Long, một tàu phá băng do Ukraine chế tạo hiện được sử dụng cho những công tác tại Nam cực.

Ông Lin Shanqing, Phó Trưởng Cục Hải dương Quốc gia ngày 22/5 loan báo Trung Quốc muốn “góp phần vào việc sử dụng Nam cực ôn hòa, có tránh nhiệm, trong cương vị là một nước lớn.”

Ông Lin nói “Trong giai đoạn này, việc thám hiểm và nghiên cứu Nam cực của Trung Quốc phần lớn chú trọng vào tăng cường hiểu biết về vùng Nam cực và để bảo vệ tốt hơn môi trường Nam cực. Theo tôi biết hiện nay, Trung Quốc không có kế hoạch khai mỏ tại Nam cực.”

Khoảng 400 đại diện của 42 nước và 10 tổ chức quốc tế sẽ tham dự hội nghị Hiệp ước Nam cực lần thứ 40 kéo dài đến ngày 1/6. Phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ và ông Dương Khiết Trì, cố vấn cao cấp về chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình, dẫn đầu.

Sự tham dự của hai giới chức này cho thấy Trung Quốc đặt nặng vào việc gia tăng nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó phải kể đến việc đổ bộ một xe tự hành xuống mặt trăng vào năm 2013, gia tăng canh tân quân đội và trong tháng này tiến hành chuyến bay đầu tiên của một máy bay phản lực chở khách do Trung Quốc chế tạo

Tại hội nghị Nam cực, các giới chức Trung Quốc hy vọng sẽ ký một thỏa thuận hợp tác vùng cực với Hoa Kỳ, Nga và Đức, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Biến đổi khí hậu và du lịch cũng sẽ nằm trong nghị trình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG