Đường dẫn truy cập

Trung Quốc cảnh báo về kinh tế thế giới và chủ nghĩa bảo hộ tại hội nghị G-20


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 2016.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 2016.

Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khối G-20 kéo dài hai ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói nền kinh tế toàn cầu đang gặp nguy cơ vì chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và các rủi ro của việc sử dụng đòn bảy đang tích tụ.

Lời cảnh báo của ông hôm Chủ nhật, 4/9, được đưa ra sau cuộc hội đàm song phương với ông Barack Obama. Tổng thống Hoa Kỳ mô tả là cuộc hội đàm "cực kỳ hiệu quả", nhưng không đưa hai bên lại gần nhau hơn về các chủ đề gai góc như căng thẳng ở Biển Đông.

Ông Obama đã đến Trung Quốc hôm thứ Bảy và đã hội đàm với ông Tập. Ông Obama kêu gọi Bắc Kinh duy trì những nghĩa vụ pháp lý của họ trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, và nhấn mạnh các cam kết của Mỹ với các đồng minh trong khu vực.

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền và các quyền hàng hải của họ ở Biển Đông.

Nhưng Trung Quốc muốn hội nghị thượng đỉnh tập trung vào các vấn đề kinh tế, và tránh để các tranh chấp khác làm lu mờ hội nghị.

Trong ngày Chủ nhật, ông Tập đã hội đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và nói ông hy vọng Australia sẽ tiếp tục cung cấp một môi trường chính sách công bằng, minh bạch và lường trước được cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc đã tức giận khi Australia ngăn chặn việc bán mạng lưới năng lượng lớn nhất của nước này trị giá 7,7 tỷ đô la cho các nhà thầu Trung Quốc hồi tháng trước.

Trung Quốc cáo buộc rằng Australia đã nhượng bộ cho tinh thần bảo hộ khi họ ngăn chặn cuộc bỏ thầu về Ausgrid, cũng như trước đó đã ngăn một tập đoàn của Trung Quốc mua công ty gia súc Kidman & Co.

Bắc Kinh cũng đã chỉ trích Australia, một đồng minh kiên định của Hoa Kỳ, về việc thực hiện các chuyến bay do thám các đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm Chủ Nhật nói Trung Quốc phải thiết lập một cơ chế để giải quyết sự dư thừa năng suất công nghiệp, ông nói việc ngành công nghiệp thép châu Âu đã mất rất nhiều việc làm trong những năm gần đây là điều "không thể chấp nhận được".

Ông nói tại một cuộc họp báo: "Dư thừa năng suất là một vấn đề toàn cầu, nhưng có một yếu tố đặc biệt là Trung Quốc".

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG