Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên đả kích tân Tổng thống Nam Triều Tiên


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un thăm một đơn vị quân sự gần đảo Baengnyeong của Nam Triều Tiên, ngày 11 tháng 3 năm 2013. Ông Kim Jong-Un đe dọa sẽ biến đảo Baengnyeong của Nam Triều Tiên thành ‘biển lửa’.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un thăm một đơn vị quân sự gần đảo Baengnyeong của Nam Triều Tiên, ngày 11 tháng 3 năm 2013. Ông Kim Jong-Un đe dọa sẽ biến đảo Baengnyeong của Nam Triều Tiên thành ‘biển lửa’.
Bắc Triều Tiên lần đầu tiên đề cập đến tân tổng thống Nam Triều Tiên giữa lúc căng thẳng leo thang trên bán đảo. Trong khi đó, Nam Triều Tiên cho hay đường dây điện thoại nóng nối với miền Bắc vẫn còn hoạt động, nhưng một đường dây thông tin liên lạc khác vẫn còn bị cắt đứt qua ngày thứ ba. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Lời thề mới nhất quyết chiến đấu để trả đũa Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ được gán cho bộ quân lực Bắc Triều Tiên.

Một thông cáo của phát ngôn viên, được một phát thanh viên tuyên đọc trong các chương trình phát thanh hôm nay, đề cập đến chính quyền mới của Tổng thống Park Geun-hye ở Seoul là "đồ ngu xuẩn không biết phán đoán thực tế" và tiếp tục với các chính sách đối đầu giống như người tiền nhiệm của bà.

Phát thanh viên này nói “sự ồn ào do những kẻ hiếu chiến khua ra không có gì là lạ, với tiếng váy sột soạt đầy nọc độc của người đang ở trong phủ tổng thống.”

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye.
Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye.
Tổng thống Park tuyên thệ nhậm chức hôm 25 tháng 2. Trong các phát biểu chính thức và bình luận trên các cơ quan truyền thông, Bắc Triều Tiên chưa hề đề cập đến bà mãi cho đến bây giờ.

Bắc Triều Tiên vẫn thường phỉ báng người tiền nhiệm của bà là ông Lee Myung-bak, gọi ông là “thủ lãnh hèn mạt của một bè lũ phản bội.”

Giáo sư Yang Moo-jin thuộc trường Ðại học Nghiên cứu về Bắc Triều Tiên ở Seoul nói rằng cho đến thời điểm này, Bình Nhưỡng dường như đã cố ý không muốn đề cập đến tên Tổng thống Park.

Giáo sư Yang nói lời chỉ trích tuy lên đến mức đe dọa, mang tính gián tiếp để dành cơ hội cho việc liên lạc trực tiếp với miền Nam. Theo ông, nếu trực tiếp chỉ trích tổng thống Nam Triều Tiên, thì mọi cơ may cải thiện quan hệ liên Triều sẽ rất khó khăn.

Bắc Triều Tiên tuyên bố đơn phương phá vỡ hiệp ước Ðình chiến 1953, bắt đầu từ hôm thứ hai tuần này.

Chính phủ Nam Triều Tiên nói đường dây điện thoại quân sự nóng giữa hai bên vẫn còn hoạt động, nhưng đường dây liên lạc của hội Chữ thập đỏ băng qua khu phi quân sự ở làng đình chiến Bản Môn Ðiếm đã bị cắt đứt từ thứ hai.

Dân Bắc Triều Tiên đạp xe ngang qua một tấm áp phích tuyên truyền tại Kaesong. 53,000 công nhân Bắc Triều Tiên được tuyển dụng ở khu này làm việc cho hơn 100 công ty Nam Triều Tiên.
Dân Bắc Triều Tiên đạp xe ngang qua một tấm áp phích tuyên truyền tại Kaesong. 53,000 công nhân Bắc Triều Tiên được tuyển dụng ở khu này làm việc cho hơn 100 công ty Nam Triều Tiên.
Hoạt động cũng tiếp tục bình thường tại khu liên doanh duy nhất giữa hai nước Triều Tiên, tức khu Công nghiệp Kaesong, ở ngay phía bắc của khu phi quân sự.

53,000 công nhân Bắc Triều Tiên được tuyển dụng ở khu này làm việc cho hơn 100 công ty Nam Triều Tiên. Khu công nghiệp mỗi năm đem lại khoảng 1 tỷ đôla về các mặt hàng xuất khẩu qua miền Nam từ miền Bắc nghèo khó và cô lập.

Nhà nghiên cứu kinh tế kỳ cựu Cho Bong-hyun của Ngân hàng Công nghiệp Triều Tiên nói nếu 700 nhà quản lý của miền nam bị ngăn không cho đến khu công nghiệp mỗi ngày, thì sẽ là một dấu hiệu đáng lo ngại từ miền Bắc.

Ông Cho nói sự lo ngại lên cao trong giới sở hữu công ty Nam Triều Tiên và một số đã bắt đầu ra đi, trong khi công nhân lo ngại về việc khu công nghiệp bị đóng cửa. Nhưng theo ông, mọi người đều hy vọng bang giao liên Triều sẽ ổn định để liên doanh duy nhất này có thể hoạt động đúng cách.

Ngay phía nam khu phi quân sự, thủy quân lục chiến Nam Triều Tiên đã tiến hành một cuộc tập trận hôm nay với khoảng 30 xe tăng. Các giới chức gọi đây là một cuộc thao dượt thường lệ và nói cuộc thao dượt này không có liên hệ với hai cuộc tập trận hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đang diễn tiến.

Các giới chức quân sự miền Nam nói lực lượng miền Bắc cũng có thể bắt đầu cuộc thao dượt đại quy mô riêng, nhưng chưa có xác nhận về việc đó.

Một cuộc ngưng bắn đã có hiệu lực trên bán đảo từ sau hiệp định đình chiến năm 1953, nhưng chưa có hòa ước nào được ký kết. Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao, có nghĩa là hai quân đội lớn nhất thế giới tiếp tục đối đầu nhau, và cả hai bên đều nhận chủ quyền toàn bộ bán đảo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG