Đường dẫn truy cập

Trì trệ kinh tế không phải là mối lo lắng chính của tân tổng thống Brazil


Tổng thống lâm thời Michel Temer tại Dinh tổng thống ở Brasilia, Brazil, ngày 12/5/2016.
Tổng thống lâm thời Michel Temer tại Dinh tổng thống ở Brasilia, Brazil, ngày 12/5/2016.

Tổng thống lâm thời của Brazil đã bắt đầu chính quyền mới hôm nay, với lời cam kết sẽ đưa đất nước đi trở lại đúng hướng sau khi Tổng thống Dilma Rousseff bị đình chỉ chức vụ vì bị cáo buộc vi phạm các luật lệ về ngân sách.

Đêm 12/5, những người ủng hộ bà Rousseff đã biểu tình ngoài đường phố thủ đô vài giờ sau khi bà bị bãi chức. Một cư dân Sao Paulo lên tiếng:

“Một cuộc đảo chính lịch sự. Ngày nay, chủ nghĩa tư bản không cần đến súng ống, không cần đến đủ quân đội. Chỉ cần có một nền tư pháp chống dân chủ. Đó là lý do vì sao xảy ra sự việc như thế này”.

Tổng thống lâm thời Temer, cựu đồng minh đã trở thành kẻ thù chính trị của bà Dilma Rousseff, đã làm lễ tuyên thệ cho nội các của ông. Nhiệm vụ chính của ban lãnh đạo của ông là giải quyết tình trạng suy thoái trầm trọng và cải tổ hệ thống hưu bổng.

Trong thông cáo đầu tiên với tư cách người lãnh đạo Brazil, ông Temer, 75 tuổi, tuyên bố:

“Lời nói đầu tiên của tôi với dân chúng Brazil là từ “tín nhiệm”. Lòng tin vào những giá trí hình thành đặc tính của nhân dân chúng ta. Lòng tin vào sự sinh động của nền dân chủ chúng ta. Lòng tin vào sự phục hồi của nền kinh tế đất nước chúng ta”.

Tuy nhiên, giới chỉ trích nhận định rằng trong nội các của ông Temer tại Brazil với thành phần sắc tộc đa dạng, không thấy có sự hiện diện của một phụ nữ hay một người Brazil gốc Phi châu nào, một hiện tượng diễn ra lần đầu tiên từ nhiều năm nay.

Những người ủng hộ chính phủ với biểu ngữ ủng hộ đảo chính ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 11/5/2016.
Những người ủng hộ chính phủ với biểu ngữ ủng hộ đảo chính ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 11/5/2016.

Ông Sergio Pracia, một nhà khoa học chính trị, nói với báo New York Times:

“Thực là một điểm gây lúng túng khi đa số những người được ông Temer chọn vào nội các đều là đàn ông da trắng lớn tuổi”.

Và ông Temer cũng có tì vết tham nhũng. Mặc dầu bản thân ông không bị đặt dưới sự điều tra, ông vẫn bị phơi bày trước vụ tai tiếng ồn ào ở công ty dầu quốc doanh Petrobas, có dính líu đến những thành viên cấp cao trong đảng của ông, cũng như đảng của bà Rousseff.

Giữa những lời chỉ trích đó, chính phủ mới của ông Temer cũng phải đối phó với những lời chỉ trích trong khu vực về tiến trình chính trị đã đưa chính phủ lên nắm quyền.

Ông Nicolas Maduro, nhà lãnh đạo khuynh tả của Venezuela, tuyên bố:

“Venezuela bác bỏ những đòn phép bất công và bẩn thỉu đã được sử dụng để chống lại người phụ nữ Brazil vĩ đại này, nhà lãnh đạo Mỹ Latinh vĩ đại này, Tổng thống Dilma Rousseff”.

Cuba cũng mô tả quyết định của thượng viện Brazil là một cuộc đảo chính. Một thông cáo của chính phủ Cuba nói: “Cuba lên án cuộc đảo chính tư pháp và lập pháp, trá hình bằng tính hợp pháp đã được xúc tiến nhiều tháng ở Brazil”. Thông cáo nói “một bước cơ bản đã được thực hiện với mục tiêu của một cuộc đảo chính”. Thông cáo cho rằng đa số các thượng nghị sĩ Brazil đã “quyết định tiếp tục tiến trính xét xử chính trị nhắm vào vị tổng thống của Brazil được bầu lên một cách hợp pháp”.

Những người ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Brasilia, Brazil, ngày 11/5/2016.
Những người ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Brasilia, Brazil, ngày 11/5/2016.

Các nhà lãnh đạo khác không đi đến mức lên án cuộc biểu quyết tại nước có nền kinh tế lớn nhất ở Nam Mỹ. Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia nói:

“Chúng tôi ủng hộ việc bảo toàn cơ chế dân chủ, tiến trình chính đáng phải được tôn trọng và điều chúng tôi muốn là duy trì sự ổn định ở Brazil”.

Trong khi đó hàng ngàn người ủng hộ bà Rousseff tiếp tục các cuộc biểu tình ngoài đường phố ở Sao Paulo sau khi bà bị đình chỉ chức vụ. Nhiều người đã tụ tập quanh một ngọn lửa tại một trong những con đường ở thành phố.

Bà Rousseff đã cam kết chống lại quyết định của thượng viện và nhấn mạnh rằng bà không hề làm điều gì sai trái.

“Điều bị đe dọa là sự tôn trọng lá phiếu, là ý muốn tối thượng của nhân dân Brazil và hiến pháp… đây là một giờ khắc bi thảm cho đất nước chúng ta… Tôi không khi nào tưởng tượng được sẽ lại cần phải tranh đấu một lần nữa để chống lại một cuộc đảo chính”.

Tổng thống Dilma Roussef.
Tổng thống Dilma Roussef.

Bà Rousseff là một cựu du kích quân theo chủ nghĩa Mác-xít đã chiến đấu chống lại chế độ độc tài quân phiệt của Brazil trong thập niên 1970.

Bà bị cáo buộc thao túng các con số thâm thủng ngân sách để làm cho nền kinh tế Brazil có vẻ lành mạnh hơn thực tế nhằm mục đích gia tăng cơ may tái đắc cử tổng thống trong năm 2014.

Chuyên gia về châu Mỹ Latinh, ông Sean Burgess của trường Đại học Quốc gia Australia, nói với đài VOA:

“Khi sắp diễn ra cuộc bầu cử năm 2014, điều khá rõ ràng là nền kinh tế không đạt được thành quả tốt như bà hy vọng, vì thế bà đã tham gia vào một vài hành động kiểm toán sáng tạo để tìm cách làm cho tình hình có vẻ tốt đẹp hơn”.

Tổng thống lâm thời Brazil cũng phải đương đầu với virut Zika – một vấn đề chính đối với Brazil vào lúc thành phố Rio de Janeiro tìm cách làm sạch các thủy lộ bị ô nhiễm và chỉnh trang thành phố để kịp chủ trì Thế vận hội mùa hè.

Chưa rõ liệu bà Rousseff có sẽ đóng một vai trò nào khi Thế vận hội bắt đầu vào tháng 8, trong khi bà chờ xem một phiên tòa bãi nhiệm có thể làm chệch hướng vĩnh viễn sự nghiệp chính trị của bà hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG