Đường dẫn truy cập

TQ thúc đẩy đồng hóa để xoa dịu căng thẳng ở Tân Cương


Xe tải chở cảnh sát Trung Quốc trên đường phố Urumqi, Tân Cương.
Xe tải chở cảnh sát Trung Quốc trên đường phố Urumqi, Tân Cương.
Khu vực Tân Cương xa xôi của Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng bất ổn sắc tộc gia tăng và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại một cuộc họp cấp cao vừa kết thúc gần đây về khu vực giàu tài nguyên này, ông Tập đề ra những chính sách để đồng hóa nhiều hơn nữa những người thiểu số Uighur ở Tân Cương.

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền 14 tháng trước, một loạt những vụ tấn công bạo động đã giết chết gần 200 người ở Trung Quốc. Hầu hết các vụ tấn công xảy ra ở Tân Cương, nhưng bạo động đã lan tới phía bắc đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và về hướng nam tới tỉnh Vân Nam.

Tháng trước, vài ngày sau khi những kẻ tấn công ném chất nổ vào một đám đông tại một khu chợ ở thủ phủ Urumqi của tỉnh Tân Cương, Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp cấp cao lần thứ hai về khu vực xa xôi này. Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh thực hiện một cuộc đàn áp mạnh tay chống lại chủ nghĩa khủng bố và cổ súy cho sự ổn định lâu dài. Ông cũng nói rằng việc kiểm soát tôn giáo sẽ chặt chẽ hơn.
Người Uighur cầu nguyện bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo tại Urumqi sau cuộc tấn công vào tháng trước ở khu vực tây bắc của Tân Cương.
Người Uighur cầu nguyện bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo tại Urumqi sau cuộc tấn công vào tháng trước ở khu vực tây bắc của Tân Cương.

Nhưng đồng thời ông cũng nói về việc cổ súy cho sự đồng hóa giữa đại đa số người Hán và những người thiểu số Uighur.

Ông James Leibold, chuyên gia Á châu của trường đại học La Trobe ở Melbourne, Úc, nói rằng một lời hô hào rõ ràng cho việc chuyển thêm người Uighur ra khỏi miền nam Tân Cương là một diễn tiến quan trọng.

Ông Leibold nói: “Tôi nghĩ điều mới ở đây là sự thừa nhận rằng chỉ có tiền thì không giải quyết được vấn đề, và những gì cần có là thực sự để cho những người này được tự do tìm kiếm các cơ hội, bất kể là họ ở Urumqi hay Thượng Hải hoặc Bắc Kinh. Ðiều đó là táo bạo và có nhiều rủi ro.”

Ông nói việc chuyển người Uighurs đến các vùng khác trong nước có thể làm cho xung đột sắc tộc gia tăng.

Ông Leibold nói tiếp: “Nếu một mặt, nhà nước muốn giải quyết vấn đề bạo động và khủng bố, nhưng mặt khác, chính sách đồng hóa của họ, ít nhất theo quan điểm của tôi, sẽ làm cho thách thức đó trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.”

Theo tường thuật của truyền thông nhà nước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu trong buổi họp rằng đồng hóa là quan trọng cho mục tiêu gia tăng sự thông cảm, bảo vệ sự thống nhất quốc gia và giải quyết vấn đề. Ông cũng nhấn mạnh là cần phải xây dựng một ý thức chung về vận mệnh của Trung Quốc trong các nhóm dân thiểu số.

Cũng có những bài tường thuật về những người Uighur sống ở các khu vực khác trong nước đã bị buộc phải trở về lại Tân Cương.

Chủ tịch của Hiệp hội người Mỹ gốc Uighur, ông Alim Seytoff, nói mưu toan đồng hóa sẽ làm gia tăng căng thẳng sắc tộc, in hệt như những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Chủ tịch của Hiệp hội người Mỹ gốc Uighur, Alim Seytoff.
Chủ tịch của Hiệp hội người Mỹ gốc Uighur, Alim Seytoff.

Ông Seytoff cho biết: “Ðây không phải là sự cổ súy cho việc hiểu biết lẫn nhau giữa các sắc tộc và sự hòa giải, mà đây là một sự leo thang diệt chủng văn hóa và đồng hóa cưỡng ép đối với người Uighur. Vấn đề chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay thực sự là kết quả của chính sách đồng hóa cưỡng ép.”

Ông Seytoff nói chỉ có một điều tốt trong cuộc họp là cam kết của chính quyền Trung Quốc là miễn học phí trung học cho trẻ em Uighur và giúp cho mỗi gia đình Uighur có được một công ăn việc làm.

Ông Seytoff cho rằng mặc dù Trung Quốc đã đổ hàng tỉ đô-la vào việc phát triển Tân Cương, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng giúp cho người Uighur.

Ông nói: “Chính quyền Trung Quốc không tạo ra công ăn việc làm cho người Uighur. Chính quyền Trung Quốc chỉ tạo công ăn việc làm cho người Hán đến đây định cư.”

Trong cuộc họp vào cuối tháng rồi, ông Tập Cận Bình nói các chính sách của chính quyền đã đi đúng hướng. Ông đề cập đến những biện pháp giúp phát triển miền nam Tân Cương, quê hương của nhiều người thiểu số Uighur.

Gần đây, truyền thông nhà nước tường thuật rằng chính quyền có kế hoạch để nâng số lao động ngành dệt may trong khu vực lên một triệu người vào năm 2020.

Các giới chức cũng nói về sự cần thiết của việc phát triển những công việc phù hợp hơn với nhu cầu của người dân địa phương tại Tân Cương và khuyến khích các công ty thu nhận thêm nhân công địa phương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG