Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama điều thêm 1.500 binh sĩ tới Iraq


Các chiến binh người Kurd tham gia vào một cuộc triển khai an ninh cao độ chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Khazer, 8/8/2014.
Các chiến binh người Kurd tham gia vào một cuộc triển khai an ninh cao độ chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Khazer, 8/8/2014.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép quân đội Mỹ triển khai thêm hơn 1.500 binh sĩ tới Iraq trong sứ mạng chống lại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.

Tòa Bạch Ốc cho biết các binh sĩ sẽ không phục vụ trong vai trò tác chiến, nhưng sẽ giúp huấn luyện và cố vấn cho lực lượng Iraq và người Kurd đang tham chiến.

Tổng thống Obama cũng sẽ đề nghị Quốc hội chi 5,6 tỉ USD tài trợ cho chiến dịch này. Các quan chức cao cấp trong chính quyền nói rằng đề nghị này bao gồm 1,6 tỉ USD dùng để lập ra ngân quỹ huấn luyện và trang bị cho Iraq nhằm hỗ trợ nỗ lực huấn luyện.

Loan báo hôm thứ Sáu được đưa ra sau khi Tổng thống Obama gặp gỡ các lãnh đạo Quốc hội. Trong cuộc họp này ông dự định thảo luận với các nhà lập pháp về đề nghị chuẩn chi và về việc ông muốn thấy Quốc hội bỏ phiếu cho phép dùng vũ lực quân sự chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Các quan chức Mỹ nói rằng một số nhân viên được gửi thêm đến Iraq sẽ hoạt động tại các trung tâm bên ngoài thủ đô Baghdad và thủ phủ Irbil tham mưu và hỗ trợ người Iraq. Những người khác sẽ rải rác khắp nước để huấn luyện lực lượng Iraq.

Có tin cho hay Tổng thống Obama cũng đã chủ động tiếp xúc với Iran về cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo, nói rằng Mỹ có thể sẽ phối hợp với Iran chỉ khi có tiến bộ về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest không xác nhận tin tức của tờ Wall Street Journal nói rằng ông Obama đã gửi một bức thư cho lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei. Phát ngôn viên Earnest hôm thứ Năm nói ông "không ở vị thế có thể nói về việc trao đổi thư từ riêng tư giữa Tổng thống và bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào."

Động thái này đã vấp phải những chỉ trích cho rằng lôi kéo Iran vào cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo cũng có thể góp phần hỗ trợ Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, nhân vật mà Mỹ phản đối. Iran ủng hộ ông Assad trong suốt cuộc xung đột ở Syria, trong khi Mỹ ủng hộ quân nổi dậy Syria có chủ trương ôn hòa.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói chính sách của Tổng thống đối với Iran vẫn không thay đổi và rằng Mỹ sẽ không hợp tác quân sự hoặc chia sẻ thông tin tình báo với Iran trong chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, ông cho biết sự quan tâm của Iran trong kết quả của nỗ lực quốc tế chống lại kẻ thù chung đã được thảo luận bên lề những cuộc đối thoại với Tehran về chương trình hạt nhân của nước này.

Các nhà đàm phán của Mỹ và năm cường quốc thế giới khác vẫn đang làm việc với Iran để cố gắng đạt được một thỏa thuận trước hạn chót là ngày 24 tháng 11.

VOA Express

XS
SM
MD
LG