Đường dẫn truy cập

Tiếp viên hàng không phát tán Covid-19 do quy định của Bộ Y tế chưa chặt?


Một khu nhà của Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines bị đóng cửa do có ca lây nhiễm Covid-19, 1/12/2020
Một khu nhà của Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines bị đóng cửa do có ca lây nhiễm Covid-19, 1/12/2020

Một nam tiếp viên của hãng Vietnam Airlines bị phát hiện dương tính với virus corona chủng mới hôm 28/11 ở thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra còn làm lây nhiễm cho ít nhất 3 người khác trong cộng đồng.

Vụ việc làm dấy lên nghi vấn rằng quy định về cách ly của Bộ Y tế Việt Nam có những lỗ hổng.

Theo chuyên trang về dịch Covid-19 của Bộ Y tế Việt Nam, nam tiếp viên 28 tuổi - được gọi là bệnh nhân số 1342 - kết thúc công việc phục vụ cho một chuyến bay quốc tế vào đêm 14/11, sau đó cách ly tập trung tại một cơ sở của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines ở Tp.HCM ngày từ 15-18/11.

Trong thời gian cách ly tập trung chỉ kéo dài 4 ngày, nam tiếp viên xét nghiệm 2 lần và đều có kết quả âm tính. Tiếp đến, anh này cách ly tại nơi cư trú cho đến ngày 28/11, và có kết quả dương tính vào ngày đó khi anh ta xét nghiệm trước khi quay lại làm việc.

Ở thời điểm ngày 28/11, nam tiếp viên trở thành bệnh nhân 1342. Nhà chức trách tiến hành truy vết và xác định rằng “có khả năng cao” là trong giai đoạn cách ly tập trung 4 ngày, anh này đã vi phạm quy định, có tiếp xúc và nhiễm virus từ một tiếp viên khác trở về từ Rumani (người này được gọi là bệnh nhân số 1325).

Vẫn theo chuyên trang của Bộ Y tế, trong thời gian cách ly tại nhà, bệnh nhân 1342 “không tuân thủ quy định về cách ly y tế”, làm lây nhiễm cho một người bạn là nam giáo viên tiếng Anh (người này được gọi là bệnh nhân số 1347).

Báo điện tử Tổ Quốc hôm 1/12 cho biết thông qua tiến hành xét nghiệm 431 mẫu, nhà chức trách phát hiện có thêm 2 người lây nhiễm từ bệnh nhân 1347, gồm một bé trai 1 tuổi và một nữ học viên 28 tuổi.

Các trường hợp lây nhiễm mới nhất này dẫn đến việc chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM yêu cầu một loạt các quận 1, 3, 6, 7, 10, Tân Bình và Tân Phú “phải rà soát thật kỹ, nếu thấy có nghi ngờ cần phải đóng cửa các nơi mà bệnh nhân đã công bố từng lưu trú, tiếp xúc”.

Mình phải quản lý theo đầu ra. Đầu ra mà không an toàn, không tốt, thì rõ ràng mình phải thay đổi ... Khi đầu ra không ổn, ta phải xem lại quy trình để đảm bảo tính an toàn cao nhất. Nếu nó có sai sót ở đâu, ta phải chỉnh sửa ở đấy thôi
Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương


Trong khi Bộ Y tế quy trách nhiệm về việc lây lan ra cộng đồng là do nam tiếp viên-bệnh nhân 1342 đã vi phạm quy định cách ly, dư luận trên mạng xã hội và nhiều cơ quan báo chí như Lao Động, Zing News, Thanh Niên nêu chất vấn vì sao nhân viên Vietnam Airlines chỉ cách ly tập trung 4 ngày, thay vì đủ 14 ngày như mọi người khác nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo quan sát của VOA, nhiều người cho rằng việc nhà chức trách Việt Nam “ưu ái”, cho phép hãng Vietnam Airlines có khu cách ly riêng, và tổ bay chỉ phải cách ly tập trung 4 ngày rồi được về nhà là kẽ hở hết sức nguy hiểm.

Do đó, có những ý kiến trên mạng xã hội rằng Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cần sửa ngay quy định về việc tổ bay chỉ cần cách ly tập trung 4 ngày.

Một phòng cách ly của Trung đoàn 59 thuộc Sư đoàn bộ binh 301, đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Photo Tuổi Trẻ Online.
Một phòng cách ly của Trung đoàn 59 thuộc Sư đoàn bộ binh 301, đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Photo Tuổi Trẻ Online.

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nói với VOA rằng cá nhân ông không ở vị trí hoạch định chính sách nên không có quan điểm riêng về việc liệu sẽ có hay sẽ không có thay đổi đối với quy định hiện hành.

Lưu ý rằng việc cách ly tập trung cộng với sự tuân thủ nghiêm túc sẽ mang lại “chất lượng cao nhất”, nhưng vụ việc nam tiếp viên có ý thức kém vừa xảy ra cũng nên được xem như một gợi ý về việc cần phải đánh giá lại quy trình, theo ông Nhung. Ông nói thêm:

“Mình phải quản lý theo đầu ra. Đầu ra mà không an toàn, không tốt, thì rõ ràng mình phải thay đổi. Đấy là bằng chứng, là quan điểm chung. Khi đầu ra không ổn, ta phải xem lại quy trình để đảm bảo tính an toàn cao nhất. Nếu nó có sai sót ở đâu, ta phải chỉnh sửa ở đấy thôi”.

Những bài học từ châu Âu, từ châu Mỹ chúng ta thấy rất rõ rồi ... Bây giờ chúng ta biết bản chất của vấn đề rồi. Chúng ta giữ làm sao cho thật chặt và chúng ta vẫn phát triển.
Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương


Vào chiều 1/12, theo chuyên trang về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định “tạm dừng” các chuyến bay thương mại từ nước ngoài đi vào Việt Nam, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân là những trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết.

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nói với VOA rằng ông ủng hộ chủ trương lớn của thủ tướng, vì thoạt nhìn, biện pháp mạnh tay có thể làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, nhưng nếu quản lý lỏng lẻo để cho dịch bệnh lan rộng, thiệt hại kinh tế còn lớn hơn rất nhiều. Ông Nhung nói thêm:

“Những bài học từ châu Âu, từ châu Mỹ chúng ta thấy rất rõ rồi. Quan trọng nhất là người đứng đầu phải thuyết phục được và mọi người phải thống nhất được rằng cái đó là vì việc chung, vì quyền lợi của tất cả mọi người, trong đó có bản thân từng người một. Bây giờ chúng ta biết bản chất của vấn đề rồi. Chúng ta giữ làm sao cho thật chặt và chúng ta vẫn phát triển”.

Các con số chính thức do Bộ Y tế công bố cho thấy từ đầu dịch Covid-19 đến sáng ngày 2/12, Việt Nam phát hiện tổng cộng 1.351 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 35 ca tử vong và 1.195 người đã khỏi bệnh.

Trên toàn thế giới, hiện có hơn 18,2 triệu ca đang phải điều trị và gần 1,5 triệu ca tử vong vì đại dịch.

Hồi cuối tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo rằng Tổng Sản phẩm Quốc nội của Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2020, trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng âm trong bối cảnh đại dịch gây ra nhiều ảnh hưởng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG