Đường dẫn truy cập

Thượng đỉnh Nhật-Hàn sắp diễn ra


Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye va Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Hàn Quốc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào cuối tháng 11.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye va Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Hàn Quốc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào cuối tháng 11.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye có thể sẽ tiến hành một cuộc họp song phương vào ngày 2 tháng 11 bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc kể từ năm 2012. Thông tín viên đài VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.

Đề nghị về cuộc họp thượng đỉnh song phương đã được văn phòng Tổng thống Hàn Quốc loan báo hôm thứ hai.

Thủ tướng Abe sẽ có mặt ở Seoul trong hai ngày 1 tháng 11 và 2 tháng 11 để dự hội nghị thượng đỉnh ba bên, nhưng ông chưa phúc đáp đề nghị của bà Park về việc tiến hành một cuộc họp song phương bên lề hội nghị này.

Một nhật báo ở Nhật Bản cho biết Tokyo và Seoul vẫn còn điều đình với nhau về cách xử lý vấn đề nhạy cảm liên quan tới những phụ nữ bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tính dục trong Thế chiến Thứ hai.

Tổng thống Park Guen Hye, người lên nắm quyền năm 2013, cho đến nay vẫn không chịu họp chính thức với Thủ tướng Abe cho tới khi nào nhà lãnh đạo Nhật đưa ra “lời tạ lỗi chân thành” và bồi thường cho những phụ nữ thường được gọi là “an ủi phụ.”

Những người Nhật Bản có chủ trương dân tộc cực đoan ủng hộ ông Abe đã làm bùng ra những vụ phản kháng ở Hàn Quốc và Trung Quốc khi họ cho rằng những phụ nữ đó có thể đã tự nguyện làm việc tại các nhà thổ của quân đội Nhật để kiếm tiền, chứ không phải bị ép buộc.

Mặc dầu vậy, tháng 8 vừa qua Tổng thống Park Guen Hye tỏ ý cho thấy bà sẽ gác qua một bên những khiếm khuyết của ông Abe để tập trung vào lời hứa hẹn của ông là tôn trọng những lời tạ lỗi của Nhật trong quá khứ, trong đó có Tuyên bố Kono năm 1993. Tuyên bố mang tên cựu Chánh Văn phòng Nội các Nhật này xin lỗi các an ủi phụ và tỏ ý hối hận về việc này.

Công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh ba bên vẫn tiếp diễn

Trung Quốc sẽ được đại diện tại cuộc họp thượng đỉnh bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường, là người sẽ có mặt tại Seoul từ ngày 31 tháng 10 đến ngày mồng hai tháng 11. Không có lời giải thích nào được đưa ra đối với vấn đề tại sao các vị nguyên thủ của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ họp với Thủ tướng Lý Khắc Cường mà không họp với vị nguyên thủ của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình.

Năm 2008 các nhà lãnh đạo của ba cường quốc Đông Bắc Á này bắt đầu họp hàng năm, nhưng hội nghị đã bị ngưng sau năm 2012 vì những vụ tranh chấp lãnh thổ gia tăng cường độ.

Trung Quốc và Nhật Bản có yêu sách chủ quyền đối với những hòn đảo không người ở ở Biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền đối với hai đảo nhỏ mà Nhật Bản gọi là Takeshima và Hàn Quốc gọi là Dokdo.

Thái độ dường như không hối hận của Nhật Bản dười thời Thủ tướng Abe đối với quá khứ quân phiệt đã làm gia tăng những sự thù địch và tức giận trong khu vực nhắm vào Tokyo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ hai cho biết vấn đề này sẽ được đề cập tới tại cuộc họp thượng đỉnh.

"Chúng tôi mong mỗi bên có thể xử lý thoả đáng các vấn đề lịch sử qua việc thẳng thắn đối mặt với lịch sử và hợp tác với nhau cho tương lai."

Ông Hosaka Yuji, giáo sư chính trị học của Đại học Sejong và là một chuyên gia về vấn đề Nhật Bản, cho rằng Thủ tướng Abe sẽ không nhượng bộ thêm về vấn đề này. Ông nói thêm rằng Tổng thống Park Guen Hye đã quyết định là đã tới lúc để tìm cách giải quyết những mối quan tâm cấp bách hơn.

"Ngưng những công việc về các vấn đề ngoại giao khác để tập trung hoàn toàn vào vấn đề an ủi phụ là một việc thiếu thoả đáng và không phù hợp với quyền lợi quốc gia của Hàn Quốc."

Washington đã thúc giục hai đồng minh quân sự chính ở Á châu hoà giải với nhau để cải thiện sự phối hợp về công cuộc bảo vệ an ninh trong khu vực.

Nhật Bản mạnh mẽ ủng hộ những cố gắng của Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải ở Thái Bình Dương và đối trọng những hành động hung hăn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hôm nay, Hải quân Mỹ đã phái một khu trục hạm tiến vào vùng biển 12 hải lý của những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Hàn Quốc tỏ ra ngần ngại, không muốn chỉ trích Trung Quốc, vì Seoul muốn Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ cho những biện pháp chế tài nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên

Cả Seoul lẫn Tokyo đều ủng hộ cho lập trường của Washington là Bình Nhưỡng phải ngưng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân trước khi bắt đầu thực hiện lại những cuộc đàm phán quốc tế để nới lỏng chế tài và gia tăng những sự trợ giúp kinh tế.

Mặc dầu vậy, Bắc Kinh có thể ủng hộ cho một cách thức mềm mỏng hơn để đáp lại việc Bình Nhưỡng hồi gần đây đã có những hành vi tốt và không thực hiện những vụ thử nghiệm phi đạn và hạt nhân.

Giáo sư Hosaka Yuji nhận định như sau.

"Để có thể giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có lẽ đang có một chiến lược để ngăn chận những phản ứng thái quá của Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản."

Hàn Quốc và Trung Quốc cũng bày tỏ quan tâm về việc Nhật Bản mới đây đã sửa đổi luật lệ để cho phép Lực lượng Tự vệ Nhật bảo vệ các quyền lợi của nước Nhật và trợ giúp đồng minh Hoa Kỳ trong lúc xảy ra những vụ khủng hoảng. Seoul muốn làm rõ là Tokyo vẫn cần phải xin phép họ để có thể tiến vào lãnh thổ của Hàn Quốc.
Hiệp định TPP có phần chắc cũng sẽ được mang ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên. Nhật Bản là một trong 12 nước thành viên TPP, một khu vực tự do mậu dịch chiếm khoảng 40% thương mại thế giới.

Hàn Quốc đã tỏ ý cho thấy họ muốn tham gia TPP. Trung Quốc không nằm trong khối này và TPP được một số người xem là cách thức để đối trọng với sức mạnh kinh tế mỗi ngày một tăng của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG