Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Đức không tái tranh cử, kết thúc ‘thời đại Merkel’


Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp lãnh đạo CDU ở Berlin ngày 29/10/2018.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp lãnh đạo CDU ở Berlin ngày 29/10/2018.

Ngày 29/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà sẽ không tái tranh cử làm Chủ tịch đảng, và nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của bà, chấm dứt thời kỳ kéo dài 13 năm bà chi phối chính trị châu Âu, theo Reuters.

Bà Merkel, 64 tuổi, là Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) từ năm 2000 và là Thủ tướng kể từ năm 2005. Quyết định từ chức Chủ tịch được đưa ra sau khi đảng của bà gặp thất bại trong khu vực bầu cử thứ hai trong nhiều tuần lễ.

Bà Merkel đưa ra tuyên bố trên một ngày sau cuộc phiếu hôm 28/10 ở bang Hesse, nơi CDU về đầu nhưng lại mất đi sự ủng hộ kể từ cuộc bầu cử gần nhất vào năm 2013.

“Tôi có cảm giác chắc chắn rằng hôm nay là lúc mở ra một chương mới”, Reuters dẫn lời bà Merkel nói một cách nghiêm túc nhưng bình tĩnh với các phóng viên ở Berlin sau cuộc họp lãnh đạo CDU.

Nói về kết quả yếu kém của CDU ở Hesse và sự không hài lòng với liên minh, bà nói: “Thứ nhất, tại đại hội đảng CDU sắp tới vào tháng 12 ở Hamburg, tôi sẽ không ra ứng cử cho ghế Chủ tịch CDU nữa”.

“Thứ hai, nhiệm kỳ thứ tư này là nhiệm kỳ cuối cùng của tôi với tư cách là Thủ tướng Đức. Tại cuộc bầu cử liên bang vào năm 2021, tôi sẽ không ra tranh cử”, bà Merkel nói thêm.

Động thái này đã bắt đầu tiến trình ổn định CDU và chuẩn bị người kế nhiệm bà Merkel. Nó cũng khiến cho đồng euro giảm một thời gian ngắn và lợi tức trái phiếu chính phủ Đức tăng.

Theo Reuters, việc bà Merkel từ chức Chủ tịch CDU càng làm suy yếu quyền lực của bà, như bà từng nói trước đó rằng chức chủ tịch đảng và thủ tướng nên do cùng một người nắm giữ.

Quyền lực của bà Merkel đã bị giảm sút bởi hai cuộc bầu cử khu vực trong năm nay và vì một đồng minh thân cận bị mất vai trò lãnh đạo trong nhóm nghị viện bảo thủ của bà.

Bà Merkel đã trở nên nổi bật trên chính trường châu Âu kể từ năm 2005, giúp dẫn dắt EU đi qua cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro và mở cửa nước Đức cho những người di cư chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông năm 2015 - một động thái vẫn gây chia rẽ trong khối EU và ở Đức.

Thông tin mới nhất về bà Merkel hôm thứ Hai được xem là một bất ngờ cho các giới chức đảng CDU, những người vẫn mong đợi bà Merkel sẽ tìm cách tái tranh cử làm chủ tịch tại đại hội đảng ở Hamburg vào đầu tháng 12.

Động thái “gây sốc” này cũng khởi đầu một cuộc chạy đua trong CDU để kế nhiệm bà Merkel. Nó cũng đặt ra câu hỏi về việc bà Merkel sẽ dàn xếp một lối ra cho mình như thế nào.

Bà Merkel đã chịu áp lực từ các đối tác liên minh Dân chủ Xã hội của mình trong việc mang đến các chính sách hữu hiệu hơn và đảng trung tả vẫn chưa thể rút khỏi chính phủ vào đợt đánh giá giữa năm tới.

Các thủ tướng khác của CDU như Konrad Adenauer và Helmut Kohl đều có kết thúc khó khăn vì thời gian tại chức.

Khi bà Merkel lên nắm quyền vào năm 2005, ông George W. Bush là Tổng thống Hoa Kỳ, ông Jacques Chirac nắm giữ Điện Elysee ở Paris và ông Tony Blair là Thủ tướng Anh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG