Đường dẫn truy cập

Thành phố New York đang cố phục hồi sau bão Sandy


Cư dân đứng bên cạnh đống đổ nát của những căn nhà bị bão tàn phá tại Rockaways, New York
Cư dân đứng bên cạnh đống đổ nát của những căn nhà bị bão tàn phá tại Rockaways, New York

Tiến trình phục hồi sau bão Sandy

Tình hình 3 ngày sau khi bão Sandy đập vào bờ Ðông Hoa Kỳ:

-Số tử vong lên tới 45 người ở Bắc Mỹ.
-Hàng triệu người vẫn bị mất điện.
-Xe điện ngầm ở thành phố New York vẫn còn đóng cửa vì bị ngập nước nặng. Chuyên chở công cộng ở thủ đô Washington hoạt động lại.
-Một số phi trường ở New York dự kiến mở lại vào ngày thứ tư; Các phi trường ở thủ đô Washington tiếp tục mở lại các chuyến bay.
-Thị trường Chứng khoán New York sẽ mở cửa giao dịch vào thứ tư.
-Liên Hiệp Quốc tiếp tục đóng cửa vì bị ngập lụt.
-Trẻ em trở lại trường học ở một số tiểu bang miền Ðông.
-Tổng thống Obama sẽ đi thăm tiểu bang New Jersey bị lụt lội tàn phá, và đã được công bố là khu vực thiên tai.
-Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà Mitt Romney dự định đến tiểu bang Virginia vào ngày thứ năm.
Cùng với sự kiện Thị trưởng Michael Bloomberg khai mạc phiên giao dịch chứng khoán hôm nay, công tác thu dọn và sửa chữa thiệt hại do cơn bão Sandy để lại đang tăng tốc. Nhiệm vụ phía trước thật to lớn. Từ New York, thông tín viên VOA Bernard Shusman gửi về bài tường thuật sau đây.

Hồi chuông mở cửa Thị trường Chứng khoán New York sáng thứ tư là một trong các dấu hiệu đầu tiên cho thấy sinh hoạt kinh doanh đang trở lại ở khu vực hạ Manhattan. Thị trường chứng khoán đã đóng cửa hai ngày giao dịch - gần như chưa từng có trước đây – trong lúc toàn vùng bị cơn bão Sandy nuốt trọn.

Nhưng gần Thị trường Chứng khoán, hàng ngàn tòa nhà chung cư và các cơ sở kinh doanh vẫn còn tối om, và một vệt bùn sình và đổ nát vẫn còn nằm ngổn ngang khắp nơi. Ðiện bị mất sau khi một bức tường nước tràn vào bờ trong cơn bão đêm thứ hai.

Con con số ghi nhận sự tàn phá: ước chừng 50 tỷ đôla thiệt hại về kinh tế, ít nhất 50 người tử nạn, chuyên chở bằng đường bộ và đường hàng không ở thành phố lớn nhất nước Mỹ vẫn còn hạn chế và hệ thống xe điện ngầm giúp hàng triệu người đi lại mỗi ngày vẫn còn bị trì trệ vì tình trạng lụt lội. Hàng triệu người trong khắp vùng bị mất điện và không có dịch vụ điện thoại; hàng chục ngàn người đã được sơ tán hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Hình chụp từ máy bay trực thăng bay phía sau chiếc trực thăng chở Tổng thống Obama và Thống đốc New Jersey Chris Christie đi thị sát thiệt hại ở bang New Jersey, ngày 31/10/2012
Hình chụp từ máy bay trực thăng bay phía sau chiếc trực thăng chở Tổng thống Obama và Thống đốc New Jersey Chris Christie đi thị sát thiệt hại ở bang New Jersey, ngày 31/10/2012
Các thị trấn ven biển ở tiểu bang New Jersey sẽ phải mất nhiều năm để hồi phục sau khi bị tàn phá. Các đám cháy bùng ra tại một số cộng đồng quanh vùng nước lụt, và các nỗ lực giải cứu các cư dân bị kẹt vẫn tiếp tục.

Tổng thống Barack Obama, đi thị sát New Jersey hôm thứ tư, hứa với các nạn nhân bão rằng chính phủ liên bang sẽ gắng hết sức mình để giúp đỡ.

Tổng thống Obama nói: “Thông điệp của tôi gửi đến các thống đốc và thị trưởng và qua các giới chức đó tới các cộng đồng đã bị tác động mạnh, là chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể được để đưa các nguồn lực tới cho quý vị và bảo đảm sẽ nhận diện bất cứ nhu cầu nào chưa được thoả mãn, chúng tôi sẽ đáp ứng càng nhanh càng tốt.”

Trong khắp các tiểu bang vùng trung Ðại Tây Dương, dân chúng đang đào bới, dọn dẹp những cây cối bị đổ, khai thông đường sá, cứu vãn của cải từ những ngôi nhà bị tàn phá và cố gắng trở lại sinh hoạt bình thường.

Tàn dư của Sandy, tuy không còn là một cơn bão lớn nữa, nhưng vẫn còn là một hệ thống thời tiết chưa ổn định, đã đổ tuyết xuống các tiểu bang West Virginia, Maryland và Ohio, và tiến lên phía bắc vào Canada.



VOA Express

XS
SM
MD
LG