Đường dẫn truy cập

Chính phủ Thái Lan thắng cuộc biểu quyết bất tín nhiệm


Chính phủ liên hiệp đã sống sót trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, sau cuộc tranh luận tập trung vào những vụ xô xát chống chính phủ mới đây đã làm hơn 80 người thiệt mạng. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã được sự hậu thuẫn của 246 thành viên trong Quốc hội 480 ghế, nhưng cuộc tranh luận đã để lại những chia rẽ bên trong chính phủ Thái Lan

Cuộc tranh luận trong 2 ngày vừa qua đã diễn ra đôi lúc rất cay đắng, vào lúc chính phủ và phe đối lập tập trung vào vụ đổ máu xảy ra trong tháng trước khi quân đội chấm dứt các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài 2 tháng.

Cuộc biểu tình và chiến dịch giải tán khu cắm trại của những người biểu tình Áo đỏ ở trung tâm Bangkok, đã khiến 88 người thiệt mạng và gần 2 ngàn người bị thương. Đảng Puea Thai đối lập cáo buộc chính phủ là sử dụng vũ lực quá đáng. Họ cũng lên án ông Abhisit và một số thành viên trong Nội các là tham nhũng và phỉ báng nhà vua được tôn sùng của Thái Lan.

Lãnh đạo đảng Puea Thái, ông Chalerm Yoobamrung cáo buộc ông Abhisit là đã có hành động như một nhà độc tài, và so sánh ông với những người nắm quyền thế trước đây của Thái Lan cũng như với nhà độc tài Adolf Hitler của Đức.

Ông Chalerm nói vụ đàn áp đã khiến nhiều người thiệt mạng hơn so với năm 1992, khi một chính phủ dưới sự lãnh đạo của Tướng Suchinda Krayprayoon đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ.

Nhưng một người phát ngôn của Đảng Dân chủ cầm quyền, ông Barunaj Smutharak, nói rằng cuộc tranh luận nêu bật tính dân chủ sau các căng thẳng gây ra bởi các cuộc biểu tình.

Ông Barunaj nói: “Tôi nghĩ nó gửi đi một tín hiệu rằng nền dân chủ lập hiến đã trở lại đất nước này. Chính phủ cũng đã có cơ hội này để thông tin liên lạc trực tiếp với công chúng về các diễn biến đã nổi lên ở Thái Lan, và những biện pháp thích nghi mà đất nước đã tiến hành để phục hồi hòa bình trong nước.”

Chính phủ phủ nhận việc sử dụng vũ lực quá đáng và quy trách cho người biểu tình đã gây ra đổ máu. Khi quân đội triệt hạ trãi biểu tình, một số người biểu tình đã nổi lửa đốt hơn 30 tòa nhà trong khắp thành phố.

Trong cuộc tranh luận, ông Abhisit đã hứa mở một cuộc điều tra độc lập về vụ bạo động, và nhấn mạnh đến các kế hoạch của ông nhằm hàn gắn những chia rẽ trong xã hội Thái.

5 thành viên trong nội các cũng bị đưa ra biểu quyết bãi nhiệm đã thắng với số phiếu khít khao, một phần nhờ những chia rẽ trong các đảng nhỏ hơn thuộc liên minh cầm quyền.

Các quan sát viên dự kiến kết quả là ông Abhisit sẽ thực hiện những thay đổi trong nội các của ông.

Ông Kraisak Choonhavan, một thành viên khác của Đảng Dân chủ, cho rằng chính phủ đã bị tổn hại vì cuộc tranh luận và cần phải xúc tiến các cải cách để đạt được hòa giải dân tộc.

Ông Kraisak cho biết: “Nói thực tình thì chúng ta vẫn chưa thoát ra được khỏi cái hỏa ngục này. Tôi cho rằng sẽ có những yêu cầu từ phía Đảng Dân chủ đòi thực hiện những cải cách quan trọng. Chắc chắn sau mỗi cuộc tranh luận đều có sự tổn hại gây ra.”

Người biểu tình, đa số xuất thân từ các vùng nông thôn nghèo khó và giới lao động ở thành thị, đòi tổ chức bầu cử ngay tức thời. Họ coi chính phủ của ông Abhisit là bất hợp pháp, và nói rằng chính phủ này được sự hậu thuẫn của giới thượng lưu Bangkok phe lờ trước những mối quan tâm của họ. Những người lãnh đạo biểu tình đã bác bỏ một đề nghị tổ chức bầu cử vào tháng 11.

Phe áo đỏ và đảng Puea Thái có liên kết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính cách đây 4 năm và hiện đang sống ở nước ngoài để tránh một án tù về tội tham nhũng. Chính phủ đã truy tố ông về tội khủng bố và nói rằng ông hậu thuẫn cho các thành phần bạo động trong giới biểu tình. Ông Thaksin đã bác bỏ những cáo buộc này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG