Đường dẫn truy cập

Thái Lan rút lại lệnh cấm biểu tình bị phản tác dụng


Các nhà hoạt động thân dân chủ giơ 3 ngón tay chào trong cuộc biểu tình ở Tượng đài Chiến thắng ở Bangkok, Thái Lan, hôm 21/10/2020. (AP Photo/Sakchai Lalit)
Các nhà hoạt động thân dân chủ giơ 3 ngón tay chào trong cuộc biểu tình ở Tượng đài Chiến thắng ở Bangkok, Thái Lan, hôm 21/10/2020. (AP Photo/Sakchai Lalit)

Thái Lan hôm thứ Năm 22/10 rút lại một sắc lệnh khẩn cấp nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng chống lại Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và hoàng gia Thái Lan, sau khi lệnh này làm dân chúng càng phẫn nộ, và hàng chục ngàn người xuống đường tại thủ đô Bangkok để phản đối.

Trong một hoạt động rầm rộ nhất để hậu thuẫn cho phe bảo hoàng từ khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng 7, hàng trăm người vẫn mặc áo màu vàng - màu của Vua Maha Vajiralongkorn - tụ tập tại một văn phòng chính phủ ở ngoại ô Bangkok.

Các biện pháp khẩn đã áp đặt tuần trước, kể cả cấm tụ tâp từ 5 người trở lên, và cấm phổ biến tin tức có thể ảnh hưởng tới an ninh.

“Tình hình bạo động dẫn tới việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã dịu xuống”, theo tuyên bố rút lại lệnh khẩn cấp.

Vụ việc duy nhất được đơn cử khi lệnh cấm được ban hành là đoàn xe của Hoàng hậu Suthida bị la ó phản đối, nhưng việc này xảy ra sau các cuộc biểu tình rầm rộ, đặt ra thách thức lớn nhất từ nhiều năm nay đối với thủ tướng và nhà vua.

Hôm thứ Tư, người biểu tình cho Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha 3 ngày để từ chức. Bây giờ họ nói rút lại các biện pháp khẩn cấp là không đủ.

“Ông ta vẫn tìm cách duy trì quyền lực trong khi làm ngơ những đòi hỏi của dân chúng. Sắc lệnh khẩn cấp lẽ ra không được ban hành”, Sirawith “Ja New” Seritiwat, một trong các lãnh đạo biểu tình, nói.

Hàng chục người biểu tình, kể cả lãnh đạo biểu tình được nhiều người biết tiếng nhất, đã bị bắt trong chiến dịch đàn áp.

Người biểu tình tố cáo Thủ tướng Prayuth là gian lận bầu cử hồi năm ngoái để tiếp tục nắm quyền sau khi chiếm quyền trong cuộc đảo chính năm 2014. Ông Prayuth nói cuộc bầu cử đó là một cuộc bầu cử công bằng.

Những người biểu tình còn tố cáo rằng nền quân chủ Thái Lan trong nhiều năm qua đã tạo điều kiện cho sự thống trị của quân đội, và đòi hạn chế các quyền hạn của nhà vua.

Nhóm bảo hoàng Thai Pakdee nói ông Prayuth là Thủ tướng chính đáng của Thái Lan, và hàng trăm người ủng hộ nền quân chủ tổ chức nhiều cuộc tuần hành ở Bangkok và các tỉnh khác.

Nhóm bảo hoàng Thai Pakdee nói trong một tuyên bố:

“Những lời kêu gọi của phe đối lập đòi Thủ tướng từ chức chỉ là những thủ đoạn để kêu gọi và khuyến khích các cuộc biểu tình phi pháp chỉ nhằm mục đích cuối cùng, là phương hại tới nền quân chủ của Thái Lan”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG