Đường dẫn truy cập

Tái nhiễm COVID làm dấy lên quan ngại về miễn nhiễm


Học sinh Hàn Quốc nghỉ ngơi giữa đại dịch COVID-19 tại Seoul, ngày 25/08/2020.
Học sinh Hàn Quốc nghỉ ngơi giữa đại dịch COVID-19 tại Seoul, ngày 25/08/2020.

Hai bệnh nhân châu Âu được xác nhận tái nhiễm COVID làm dấy lên những quan ngại về sự miễn nhiễm của người với COVID trong lúc thế giới vất vả chế ngự đại dịch.

Hai trường hợp này, tại Bỉ và Hà Lan, xảy ra sau báo cáo tuần này từ những nhà nghiên cứu tại Hong Kong về một người đàn ông bị tái nhiễm với một chủng COVID khác với chủng ông từng bị nhiễm trước đó. Người này bị nhiễm lại sau bốn tháng rưỡi được tuyên bố bình phục và đây là ca tái nhiễm COVID đầu tiên được ghi nhận.

Việc này gây nên những lo ngại về sự hiệu nghiệm của vaccine tiềm năng chống virus dù các chuyên gia nói cần nhiều ca tái nhiễm nữa mới có thể minh chứng.

Nhà virus học của Bỉ, Marc Van Ranst, cho hay trường hợp tại Bỉ là một phụ nữ nhiễm COVID lần đầu vào tháng 3 và sau đó tái nhiễm với một chủng COVID khác vào tháng 6. Chắc sẽ xuất hiện nhiều ca tái nhiễm thêm nữa, ông dự báo.

Ông Van Ranst nói với Reuters là nữ bệnh nhân vừa kể trong độ tuổi 50, có rất ít kháng thể sau khi bị nhiễm lần đầu, dù các kháng thể này có thể đã làm bệnh nhẹ bớt. Những ca tái nhiễm có thể là những trường hợp đặc biệt và ít thấy, ông nói, dù quá sớm để đoán trước sẽ có thêm bao nhiêu ca như thế sắp xuất hiện.

Ông nói thêm virus corona chủng mới có vẻ ổn định hơn virus cúm, nhưng nó đang biến đổi.

“Virus biến đổi và điều đó có nghĩa là vaccine tiềm năng sẽ không phải là vaccine có thể tồn tại lâu dài, 10 năm, có thể thậm chí không đến 5 năm. Giống như cúm, vaccine sẽ phải điều chỉnh lại thường xuyên,” ông nói.

Ông Van Ranst, thành viên trong một số ủy ban COVID-19 của Bỉ, cho rằng các nhà bào chế vaccine sẽ không ngạc nhiên.

“Chúng ta thích virus ổn định hơn, nhưng mình không thể cưỡng ép tự nhiên,” ông nói.

Xét nghiệm gen

Viện Y tế Công cộng Quốc gia tại Hà Lan cho biết đã theo dõi một ca tái nhiễm ở Hà Lan.

Nhà virus học Marion Koopmans được đài NOS Hà Lan trích lời cho biết bệnh nhân là một người lớn tuổi với hệ thống miễn nhiễm yếu.

Bà nói những trường hợp mà nạn nhân bị bệnh vì COVID trong thời gian dài và rồi bùng phát trở lại thì thường thấy hơn.

Tuy nhiên tái nhiễm thực sự, như trường hợp tại Hà Lan, Bỉ và Hong Kong, cần phải được xét nghiệm gen của virus cả lần đầu lẫn lần nhiễm thứ nhì để xem liệu hai trường hợp virus có khác nhau hay không.

Ông Van Ranst nói xét nghiệm như vậy cho thấy bệnh nhân Bỉ bị nhiễm chủng virus khác.

Nữ phát ngôn viên của WHO bà Margaret Harris nói tại một cuộc họp báo của Liên hiệp quốc ở Geneva rằng dù những báo cáo tái nhiễm thỉnh thoảng xuất hiện, nhưng điều quan trọng là phải ghi nhận rõ ràng.

Một số chuyên gia nói chắc chắn là những ca như vậy sẽ bắt đầu xuất hiện vì xét nghiệm rộng rãi hơn trên toàn thế giới, hơn là vì virus có thể lây lan cách khác.

Tuy vậy, bác sĩ David Strain, một giảng viên lâm sàng kỳ cựu tại Trường đại học Exeter và là Chủ tịch uỷ ban hàn lâm y khoa thuộc Hiệp hội Y khoa Anh, nói những ca này đáng ngại vì nhiều lý do.

“Trước nhất việc này cho thấy lần nhiễm đầu không mang lại tính bảo vệ,” ông nói. “Thứ hai, chuyện này nêu lên khả năng là tiêm ngừa có thể không mang lại hy vọng mà chúng ta đang chờ đợi.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG