Đường dẫn truy cập

Đại sứ Mỹ đến thành phố Hama của Syria để ủng hộ người biểu tình


Ðại sứ Hoa Kỳ tại Syria Robert Ford
Ðại sứ Hoa Kỳ tại Syria Robert Ford

Đại sứ Hoa Kỳ tại Syria đã đến thành phố Hama để bày tỏ tình đoàn kết với các cư dân đang phản đối chế độ cai trị của Tổng Thống Bashar al-Assad. Chính phủ Syria lên án chuyến đi của ông là một nỗ lực nhằm khích động tình cảm chống chính phủ. Hama từng là một trung tâm điểm của bất ổn chính trị ở Syria, và tình hình tại thành phố này đã leo thang trong tuần, giữa lúc nhiều xe tăng đang bao vây thành phố.

Những cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Syria trong suốt nhiều tháng qua.

Thành phố Hama ở trung bộ Syria từng là một trong những trung tâm của phong trào chống đối chế độ cai trị của Tổng Thống Bashar al-Assad. Tuần này, nhiều xe tăng đã tiến đến các khu ngoại thành, khơi ra những quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công quân sự.

Một nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Syria hôm qua nói với Đài VOA rằng trong những ngày gần đây, các đội tuần tiễu an ninh đã giết chết ít nhất 25 thường dân bên trong thành phố, và bắt giữ hơn 100 người. Bà này cho hay hàng trăm người khác đã rời bỏ thành phố để chạy lánh nạn.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Victoria Nuland, hôm qua nói rằng Hoa Kỳ “quan tâm sâu sắc” đến tình hình tại Hama. Bà Nuland cho hay Đại sứ Hoa Kỳ tại Syria, ông Robert Ford, đã lên đường đến thành phố Hama để bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình.

Bà Nuland nói: “Chủ đích của chuyến đi là chúng tôi muốn xác định rõ rệt bằng sự hiện diện của chính ông Ðại sứ, rằng chúng ta đang sát cánh với những người Syria đang hành sử quyền được bày tỏ quan điểm ủng hộ cải cách, những người muốn có một tương lai dân chủ và đang bày tỏ các quan điểm đó một cách ôn hòa.”

Bà Nuland xác định Đại sứ Ford có mặt tại Hama hôm qua trong một chuyến đi thăm do chính ông lo liệu, chứ không do chính quyền Syria hướng dẫn. Tuy nhiên bà cho biết rằng trước chuyến đi, Ðại sứ quán Mỹ đã loan báo cho chính phủ Syria biết rằng một phái đoàn ngoại giao Mỹ sẽ lên đường đến thành phố này.

Bà Nuland thuật lại rằng Đại sứ Ford mô tả tình hình tại Hama là “căng thẳng”, giữa lúc nhiều cửa tiệm phải đóng cửa, và dân chúng lo sợ không biết liệu các lực lượng an ninh có sẽ xông vào thành phố hay không.

Bà nói: “Ông Ðại sứ đã gặp ít nhất hơn một chục người Syria tại Hama đã bày tỏ sự bất bình và quan ngại trước hành động của chính quyền.”

Bà Nuland cho biết Đại sứ Hoa Kỳ dự định lưu lại thành phố Hama cho tới hôm nay, thứ Sáu, ngày mà theo dự kiến sẽ nhiều cuộc biểu tình khác đang được tổ chức.

Các lực lượng an ninh Syria đã tiến vào Hama sau khi Tổng Thống Assad bãi chức một tỉnh trưởng ở địa phương, tiếp theo sau một cuộc tuần hành rầm rộ chống chính phủ tại Hama hôm thứ Sáu tuần trước.

Các binh sĩ phần lớn đã rút ra khỏi thành phố sau một chiến dịch trấn át hôm 3 tháng 6 chống những người biểu tình, giết chết ít nhất 60 người tại đó.

Các nhóm bênh vực nhân quyền nói các lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 1.400 thường dân trên khắp Syria, kể từ khi cuộc nổi dậy được phát động hồi trung tuần tháng Ba.

Chính phủ Syria nói các phần tử khủng bố và Hồi giáo đã giết chết hàng trăm nhân viên an ninh trong cùng thời kỳ này.

Giữa lúc chiến dịch trấn át biểu tình mở rộng, Hội Ân xá Quốc Tế có trụ sở đặt ở nước Anh, nói các lực lượng Syria có thể đã phạm những tội ác chống nhân loại trong một chiến dịch tiến hành trong tháng trước ở gần biên giới Libăng.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài VOA, ông Philip Luther thuộc Hội Ân xá Quốc Tế nói rằng phúc trình của Hội đặc biệt chú ý tới những sự cố xảy ra tại thị trấn Talkalakh.

Ông nói: “Chúng tôi đã phỏng vấn hơn 50 người trong tháng 5 và tháng 6; và dựa trên căn bản đó, chúng tôi đã được nghe nhiều lời chứng rất đau lòng về những vụ tra tấn và hành động ngược đãi khác xảy ra trong khi các nạn nhân đang bị giam cầm, những ca tử vong xảy ra trong nhà giam, và các vụ bắt bớ bừa bãi.”

Các giới chức Syria đã bác bỏ các tin tức về một chiến dịch quân sự nhắm vào Hama.

Thành phố này là một biểu tượng quan trọng của phong trào phản kháng Syria chống chế độ Assad, và sự tàn bạo đã được sử dụng để kiềm chế phong trào phản kháng.

Hồi năm 1982, cha của đương kim Tổng Thống Bashar al-Assad, giờ đã qua đời, đã sử dụng sức mạnh quân sự để dẹp tan một cuộc nổi dậy tại thành phố này, giết chết hàng chục ngàn người.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG