Đường dẫn truy cập

Áp lực gia tăng đối với Syria trong lúc chính phủ tiếp tục các vụ bố ráp


Người biểu tình đá vào tấm hình bị đốt của Tổng thống Syria Bashar Assad trong cuộc biểu tình trước trụ sở của Liên đoàn Ả Rập tại Cairo, Ai Cập
Người biểu tình đá vào tấm hình bị đốt của Tổng thống Syria Bashar Assad trong cuộc biểu tình trước trụ sở của Liên đoàn Ả Rập tại Cairo, Ai Cập

Syria đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía các cường quốc trên thế giới đòi chấm dứt cuộc đàn áp nhắm vào giới bất đồng, nhưng các nhà hoạt động nói tình trạng bạo lực tại nước này vẫn tiếp tục leo thang.

Một nhà hoạt động thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria hôm nay cho đài VOA biết rằng các lực lượng Syria đã công khai hành quyết 22 nhà hoạt động tại một khu vực ngoại ô Damascus, và bắt giữ khoảng 600 người.

Nhóm đối lập nói rằng khu vực ngoại ô này đã bị bao vây kể từ hôm Chủ Nhật, khi các lực lượng được sự yểm trợ của xe tăng tiến vào khu vực.

Trong khi đó, Hoa Kỳ và Đức cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ phải phản ứng trước cuộc đàn áp chết chóc của Syria nhắm vào người biểu tình sau khi các nhà điều tra LHQ công bố các chi tiết về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà họ cho là được ‘cấp cao nhất’ trong chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ đạo.

Hôm qua, một ủûy ban LHQ điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Syria cáo buộc binh sĩ chính phủ nước này đã thực hiện ‘việc hành quyết vội vã, bắt giữ bừa bãi, cưỡng bức mất tích, tra tấn, gồm cả bạo lực tình dục, cũng như vi phạm quyền của trẻ em’.

Phúc trình công bố hôm qua nói rằng các lực lượng Syria đã giết hại 256 trẻ em, và rằng ‘hành động tra tấn được thực hiện ngang nhau giữa người lớn và trẻ em’.

Các kết quả điều tra nay sẽ được đưa ra Hội đồng Nhân quyền và Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, là các cơ quan sẽ quyết định biện pháp kế tiếp.

Hôm nay, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có thể phải chuyển tuyến đường thương mại tới Trung Đông qua Iraq, tức là sẽ ngưng coi Syria là nước trung chuyển nếu tình hình ở đó bất ổn thêm, và các lệnh trừng phạt đối với Damascus có hiệu lực.

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bãi bỏ quy chế xin visa lẫn nhau năm 2009 và từng có kế hoạch nâng kim ngạch thương mại hai chiều.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG