Một cựu thương thuyết gia hòa bình với phiến quân Hổ Tamil, ông Bernard Gunathilaka nằm trong số những người đầu tiên ra khai chứng vào lúc một ủy ban 8 thành viên bắt đầu các buổi điều trần hôm nay về cuộc nội chiến.
Quân đội đã dẹp tan phiến quân Hổ Tamil hồi năm ngoái, kết thúc cuộc xung đột tại Sri Lanka. Nhưng chiến thắng bị che phủ bởi những lời cáo buộc vi phạm nhân quyền của phiến quân và lực lượng chính phủ và những lời tố cáo rằng hàng ngàn thường dân người Tamil đã bị sát hại trong các giai đoạn cuối của cuộc xung đột.
Chính phủ nói binh sĩ của họ không phạm một tội ác chiến tranh nào. Chính phủ đã bác bỏ những lời kêu gọi của quốc tế đòi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và nói rằng mọi quan ngại về vấn đề sẽ được giải quyết bởi ủy ban điều tra mà chính phủ đã bổ nhiệm.
Uỷ ban này đã được yêu cầu báo cáo lên Tổng thống Mahinda Rajapakse trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, giới chỉ trích chính phủ hoài nghi về việc liệu cuộc điều tra có đáng tin cậy hay không.
Người đứng đầu Hội đồng Hòa bình Quốc gia của Colombo, ông Jehan Perera, nói rằng sự hoài nghi này dựa vào thành tích đã từng có của các ủy ban do chính phủ bổ nhiệm.
Ông Perera cho biết: “Lập trường của chính phủ rất rõ ràng, rằng đây là một nỗ lực nghiêm túc về phía chính phủ. Nhưng các thành phần độc lập cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế đã bầy tỏ sự lo ngại rằng các uỷ ban trước đây do chính phủ Sri Lanka uỷ nhiệm hoặc là không hề đi đến được một kết luận; các báo cáo không bao giờ được công bố; hoặc là uỷ ban gồm những người thiên chính phủ quá mức nên không thể đi đến được một sự thẩm định thực sự độc lập.”
Uỷ ban sẽ cứu xét nguyên do vì sao một cuộc hưu chiến giữa chính phủ và quân Hổ Tamil năm 2002 lại sụp đổ và ai là kẻ chịu trách nhiệm về việc này.
Thành phần mới nhất vừa tham gia những lời yêu cầu đòi mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập về các tội ác chiến tranh bị cáo buộc là một nhóm gồm 57 nhà lập pháp Hoa Kỳ. Hôm qua, họ đã viết thư cho Ngoại trưởng Hillary Clinton để vận động cho một cuộc điều tra độc lập, và nói rằng ủy ban do chính phủ bổ nhiệm có phạm vi hạn hẹp và không có quyền điều tra những vụ vi phạm nhân quyền.
Nhưng các nhà phân tích chính trị nói rằng có nhiều phần chắc là chính phủ Sri Lanka sẽ không thay đổi lập trường của họ. Chính phủ đã từ chối không hợp tác với một uỷ ban 3 thành viên do Tổng thư ký Liên hiệp quốc thành lập để cố vấn cho ông về những vụ vi phạm theo như lời tố giác.
Tại Sri Lanka, một uỷ ban do chính phủ bổ nhiệm đã bắt đầu điều tra những năm cuối cùng của cuộc nội chiến kéo dài vừa kết thúc hồi năm ngoái. Nhưng có mối hoài nghi rằng cuộc điều tra sẽ giải quyết được một cách đầy đủ các mối quan ngại của quốc tế về những vụ vi phạm nhân quyền trong các giai đoạn cuối của cuộc chiến. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1