Đường dẫn truy cập

Sáng kiến giúp học sinh Nam Phi được no đủ


Bánh mì là một phần của buổi ăn trưa dành cho các học sinh gia đình khó khăn
Bánh mì là một phần của buổi ăn trưa dành cho các học sinh gia đình khó khăn

Đệ nhất phu nhân Michelle Obama vừa kết thúc chuyến đi thăm miền Nam châu Phi, các thiện nguyện viên tại đó bắt đầu thực hiện ngay những điều bà kêu gọi, là đảm bảo chương trình dinh dưỡng lành mạnh cho các học sinh có nguy cơ.

Vào giờ ăn trưa tại một trường trung học ở Soweto, các thiện nguyện viên phân phát sữa, bánh mì và cam, theo một nhiệm vụ thường ngày. Các em học sinh nói rằng những bữa ăn trưa miễn phí này thật đã cứu giúp các em.

Em Tshepo Motsoko nói: “Một số trong chúng em không thể xin tiền cha mẹ được.”

Em Gift Simpewe nói: “Một số bạn không có tiền để mua bất kỳ thứ gì. Cho nên được cung cấp thức ăn như thế này rất quan trọng.”

Trường trung học Reasoma nằm tại khu đô thị Soweto, thuộc vùng phụ cận Johannburg, Nam Phi, nơi vẫn còn chịu tỉ lệ thất nghiệp tới 50%, bất kể sự phát triển kinh tế mới đây.

Một số học sinh được ăn bữa trưa miễn phí tại đây là những trẻ mồ côi, cha mẹ mắc bệnh AIDS. Phần đông các em sống cùng ông bà. Nhiều em bị đói thường xuyên. Các chương trình của chính phủ trợ cấp ăn uống cho học sinh tiểu học, nhưng không trợ cấp học sinh trung học.

Bà Gillian Wilkinson là quản lý dự án của một chương trình bất vụ lợi do Hoa Kỳ dẫn đầu, gọi là Quĩ Bữa Ăn Trưa, tổ chức các bữa trưa hàng ngày như kể trên.

Bà nói: “Khi đói bụng, thường bạn hay bị xuống tinh thần về mọi chuyện trên đời, cho nên tôi cho rằng Quĩ Bữa Ăn Trưa có tới 2 tác dụng. Tôi nghĩ nó giúp cho sức khỏe cơ thể để các em có thể kéo dài sự chú ý trong lớp học hay trong kỳ thi, nhưng theo tôi nó còn đem lại cho các em cảm nghĩ rằng các em là những người xứng đáng; ngoài ra, các em còn cảm nhận được rằng có ai đó, tại nơi nào đó đã biết nghĩ tới các em và rằng các em không phải sống trong một thế giới ảm đạm, trống rỗng như từ trước đến giờ các em vẫn phải sống trong đó.

Những người điều hành chương trình nói rằng một số học sinh thường mua cần sa thay vì thức ăn qua những người bán rong ngoài hàng rào trường học, để làm dịu bớt cơn đói, bởi vì giá một nhúm cần sa có thể mua được với giá dưới 1 đôla. Trường học cũng còn đang lập một vườn rau để trồng bắp cải, rau xanh và củ cải, có thể thu hoạch sau vài tháng, để bổ sung cho bữa ăn.

Cô Lesedi Lion, một thiện nguyện viên 18 tuổi, đã tốt nghiệp trường trung học Reasoma, cho là nhiều điều khác nữa có thể được thực hiện.

Cách đây mấy năm, cô đã viết một lá thư cho một tiệm thực phẩm tại Soweto để xin giúp đỡ. Hiện nay, cứ mỗi tuần, cô lại đến tiệm kể trên để lãnh sữa và các loại cốm rang giúp bổ sung cho chương trình bữa trưa của trường.

Cô nói: “Tôi xuất thân từ một gia đình thiếu may mắn, nên thông cảm với những bạn cùng cảnh ngộ trong trường tôi và muốn giúp các bạn đó, bởi vì phần đông mọi người không nghĩ đến chuyện nhiều học sinh trung học cũng cần được giúp đỡ. Người ta chỉ tập trung vào các trường tiểu học. Cho nên tôi muốn trường trung học được chú ý hơn và khuyến khích mọi người bắt đầu giúp đỡ các trường trung học.”

Ông Hoao Jardim, chủ tiệm thực phẩm phụ giúp thức ăn cho chương trình bữa trưa rất thán phục chương trình:

Ông nói: “Giúp đỡ mọi người là một điều tốt. Điều gợi hứng cho tôi là tuổi trẻ và lòng can đảm của cô ấy (Lesedi), tôi nghĩ cô ấy thật giỏi giang khi giúp các học sinh, và vì vậy tôi cố gắng với cô ấy và điều đó đem lại kết quả.”

Các học sinh cho biết các em rất biết ơn về tất cả những trợ giúp mà các em nhận được. Các em bày tỏ hy vọng rằng qua chính những gì các em học được, một ngày kia các em sẽ có thể giúp đỡ cho những người khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG