Đường dẫn truy cập

Bóng đen KGB ám ảnh dự luật An Ninh mới của Nga


Thượng viện Nga vừa chấp thuận một dự luật gây nhiều tranh cãi, nhằm nới rộng quyền lực cơ quan an ninh quốc nội. Những người chống đối nói rằng luật mới sẽ làm cho cơ quan này giống như cơ quan tiền nhiệm thời Liên Xô của nó là KGB. Từ Matscơva, thông tín viên Gabe Joselow của VOA gửi về thêm chi tiết.

Một dự luật mới được quốc hội Nga chấp thuận cho cơ quan tình báo quốc nội của nước này là FSB quyền được đưa ra cảnh cáo đối với những người bị nghi ngờ có âm mưu tội phạm.

Dự luật này đã được đa số thành viên thuộc viện Duma, hay là Hạ viện Nga thông qua, với hậu thuẫn của đảng Thống Nhất Nga do Thủ tướng Vladimir Putin đứng đầu. Sau khi được Hội đồng Liên bang chấp thuận, dự luật này đang được đệ trình để được Tổng thống Dmitri Medvedev ban hành.

Ông Sergei Markov, một đại biểu quốc hội và là thành viên của đảng Nước Nga Thống Nhất, ủng hộ dự luật này và nói rằng sự thay đổi mà dự luật này sẽ đem lại đã bị phe đối lập phóng đại một cách quá đáng.

Ông nói: "Việc thay đổi gần như chẳng có gì đáng kể. Chỉ là một quyền cảnh báo những người mà FSB nắm được thông tin rằng hoạt động của họ có nhiều khả năng dẫn tới sự đối nghịch với luật pháp. Theo tôi sự chỉ trích luật này chỉ có mục đích tuyên truyền."

Ông Markov nói rằng đa phần luật này nhắm vào những mối đe dọa khủng bố xuất phát từ vùng Bắc Caucasus, là nơi đang diễn ra tình trạng bạo động liên quan đến phe Hồi giáo cực đoan. Nêu lên một ví dụ về sự hữu ích của đạo luật, ông Markov nói rằng nó có thể giúp cảnh báo các tổ chức phi chính phủ, rằng các phần tử khủng bố đang mưu toan xâm nhập hàng ngũ của họ.

Tuy nhiên, một số các nhóm nhân quyền tin rằng luật này còn có mục đích khác là bóp nghẹt tiếng nói bất đồng chính kiến và khiến những người hoạt động nhân quyền lo sợ không dám tổ chức biểu tình phản kháng.

Ông Markov nói rằng điều đó không đúng, và việc làm ngơ trước sự cảnh báo của FSB sẽ không đem lại hậu quả gì.

Ông nói thêm: “Khi nhận được một cảnh báo tổng quát từ FSB, mọi nhân vật chính trị đều có quyền làm điều họ thực sự muốn làm. Nếu họ vẫn muốn tổ chức biểu tình phản đối họ có thể dễ dàng thực hiện điều đó và không cần quan tâm đến cảnh báo đã nhận được.”

Nhân vật tranh đấu cho nhân quyền Ludmilla Alexeeva, người đứng đầu tổ chức Helsinki tại Mascova, không tin như vậy. Bà cho biết luật mới nhắc cho bà nhớ tới lời cảnh cáo về những hoạt động chính trị của bà mà bà đã nhận được năm 1974, khi nhân viên mật vụ KGB đến tận sở làm của bà và lập tức dùng xe bít bùng bắt bà đem đi.

Bà nói rằng phản ứng của nhân dân Nga sẽ quyết định rất nhiều trong chuyện này.

Bà nói: "Nhân dân có thể sẽ tích cực tranh đấu chống lại việc FSB can dự vào đời sống cá nhân và xã hội của họ, hoặc họ có thể sẽ sợ sệt như thỏ đế."

Bà nói thêm: "Chúng ta hãy chờ xem. Có một số luật lệ chẳng có hiệu quả gì."

Hy vọng sẽ được ủng hộ rộng rãi hơn, những người hỗ trợ dự luật đã giảm nhẹ sức mạnh của nó. Dự luật này, lúc đầu định rằng nếu FSB nghi ngờ một công dân phạm tội hình, cơ quan này có thể cho đòi người đó đến để thẩm vấn. Nếu không đến thì hành động đó có thể khiến nghi can bị tống giam. Nhưng những từ như vậy đã được gỡ bỏ khỏi dự luật.

Các đoàn thể đối lập đã mạnh mẽ phản đối dự luật trong lúc nó được đưa ra bàn thảo và biểu quyết tại Quốc hội. 3 nhân vật thuộc đảng cấp tiến Yabloko theo tin cho hay, đã bị bắt hôm thứ Sáu khi họ biểu tình phản đối ở bên ngoài trụ sở Hạ viện Nga.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG