Đường dẫn truy cập

Nga: Cảnh sát đàn áp đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống


Cảnh sát Nga bắt một người biểu tình phản đối gần đài truyền hình nhà nước NTV ở Moscow hôm 18/3/12
Cảnh sát Nga bắt một người biểu tình phản đối gần đài truyền hình nhà nước NTV ở Moscow hôm 18/3/12

Hai tuần lễ đã qua kể từ khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin đắc cử một nhiệm kỳ tổng thống 6 năm. Tiếp sau việc tái đắc cử của ông Putin, việc gì sẽ xảy ra cho đa nguyên vừa chớm nở tại Nga?

Trong hai tuần lễ kể từ khi ông Vladimir Putin được bầu làm Tổng thống, các nhà phân tích nói điện Kremlin đang tiến tới việc làm suy yếu phong trào đối lập đã nở rộ tại Nga trong mùa đông vừa qua.

Trong tuần qua, cảnh sát bắt giữ hàng trăm người tại cuộc biểu tình ở Moscow và St. Petersburg. Ba người thuộc một nhóm biểu tình quậy phá bị giam hai tháng vì tội côn đồ.

Hai nhà hoạt động môi trường bị bắt vì chụp ảnh một tòa nhà lớn của một tỉnh trưởng đang được xây trong một công viên quốc gia. Và một thẩm phán Moscow kết án 5 năm tù một người đàn ông tổ chức một chiến dịch gây quỹ trên mạng để mua loa phóng thanh và tổ chức cuộc biểu tình ngoài trời trong mùa đông vừa qua.

Bà Natalia Pelevine, điều phối viên của Ủy ban vì Dân chủ Nga, nói với Đài VOA ngay sau khi văn phòng đô trưởng Moscow bác bỏ yêu cầu của bà xin tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày thứ Hai phản đối trường hợp của ông Sergei Magnitsky, một luật sư chết trong một nhà tù Moscow cách đây 3 năm.

Bà Pelevine nói: “Họ mong chúng tôi hoàn toàn biến khỏi đường phố, bằng cách này hay cách khác loại bỏ chúng tôi, hoặc làm cho chúng tôi phải trốn khỏi nước, hay có thể là toan tính bắt giam một số người trong chúng tôi.”

Đối lập bị giáng hai đòn nặng liên tiếp.

Vào tối thứ Năm, một thẩm phán Moscow kết án 5 năm tù ông Alexei Kozlov, người tổ chức một hệ thống trả tiền qua Internet cho những cuộc biểu tình vào mùa đông vừa qua.

Hệ thống này quyên được những số tiền hiến tặng nhỏ trên Internet của Nga giúp cho đối lập không bị mang tiếng vì cáo buộc cho là họ phải nhờ vả những tay hoạt đầu chính trị Nga hay các cường quốc Tây phương tài trợ.

Tháng 9 năm ngoái, Tối cao Pháp viện Nga bác bỏ một phán quyết kết án ông Kozlov về những tội danh tài chánh không liên hệ đến chuyện này. Tuy nhiên khi ông trở thành một khuôn mặt quan trọng của đối lập, ông bị nhanh chóng đem ra xử lại, bị kết án và đưa vào tù.

Một vụ khác nữa làm đối lập phẫn nộ, NTV, kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát, hôm thứ Sáu cho phát hình một chương trình đặc biệt cáo buộc là nhiều người biểu tình chống Thủ tướng Putin là những công nhân di dân được trả “tiền hay các khoản lợi lộc”.

Có khoảng 1.000 người biểu tình tập họp hôm Chủ Nhật bên ngoài trụ sở truyền hình Moscow. Họ đặt những chiếc bánh nướng (tiêu biểu cho lợi lộc) và đồng đô la giả tại cửa trước của đài truyền hình. Cuộc biểu tình không được phép và cảnh sát bắt giữ khoảng hơn 100 người.

Ông Nicolai Petrov, một chuyên viên phân tích tại tổ chức Carnegie Endowment, nói mục đích của điện Kremlin là đàn áp các cuộc biểu tình công cộng trước khi thời tiết ấm trở lại ở Moscow.

Ông Petrov nói: “Ý chính là tránh những cuộc biểu tình rộng lớn tại Moscow. Vấn đề là cuộc khủng hoảng chính trị vẫn còn, và chưa được giải quyết. Và ngay cả khi những người biểu tình không còn trên đường phố thì điều này không có nghĩa là điện Kremlin có thể xem như đây là thắng lợi của họ.”

Hướng về tháng Năm tới, Tổng thống tân cử Putin loan báo 5 ngày nghỉ “lễ làm vườn” được ban hành chung quanh ngày nhậm chức của ông thứ Hai, 7 tháng 5. Ông hy vọng là thay vì biểu tình, người dân Moscow sẽ ở nhà nghỉ mát của họ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ mới 6 năm.

Trong một chiến lược mới, chính phủ muốn đổi hướng những cuộc biểu tình trên đường phố thành những đảng chính trị mới.

Trong những ngày tới, viện Duma Nga sẽ chấp thuận một đạo luật giảm đáng kể những đòi hỏi thành lập chính đảng mới. Đến những tháng he tới, đối lập Nga có thể bị chia manh mún thành hàng chục đảng phái nhỏ.

Ông Petrov thuộc Carnegie Endowment cho biết thành lập một đảng đối lập lớn có thể làm cho tình hình ổn định hơn.

Ông Petrov nói: “Chính phủ phạm sai lầm do không tiến đến cải cách chính trị vì theo quan điểm của tôi, cải cách chính trị cần thiết nhiều cho chính phủ hơn là cho ai khác.”

Ông Petrov và các nhà phân tách khác nhận thấy là điện Kremlin sẽ phải đối phó với những vấn đề kinh tế nan giải sau cuộc bầu cử.

Bắt đầu là việc bãi bỏ biện pháp không nâng giá dầu và điện sẽ dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao làm mất lòng dân.

Thứ Hai là sự thâm thủng về quĩ hưu bổng ngày càng tăng do dân số già nua của Nga gây nên, có thể sẽ buộc điện Kremli phải nâng tuổi về hưu lên, hiện nay là 55 cho phụ nữ và 60 đối với nam giới.

Cuối cùng trong cuộc vận động tranh cử, ông Putin hứa thêm 160 tỉ đô la cho những khoản chi tiêu mới trong nhiệm kỳ của ông. Những hứa hẹn này bao gồm thêm vũ khí cho quân đội và tăng lương mạnh cho bác sĩ và giáo chức.

Các kinh tế gia cho rằng ông Putin chỉ có thể thực hiện được những lời hứa hẹn này nếu giá dầu trên thế giới tiếp tục gia tăng—từ mức vốn dĩ đã cao như hiện nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG