Đường dẫn truy cập

Quan hệ quân sự Mỹ-Trung giá lạnh: Hai bên có nói chuyện với nhau?


Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 4/6/2023.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 4/6/2023.

Trong bối cảnh tăng cường triển khai quân sự trên khắp Đông Á, cuộc đối thoại quốc phòng cấp cao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn bị đóng băng. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken không đạt được bất kỳ tiến triển nào về vấn đề này trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã cố gắng nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc trong một hội nghị quốc phòng ở Singapore trong tháng này, nhưng không gì hơn một cái bắt tay.

Tình hình hiện nay ra sao?

Tướng Lý, được bổ nhiệm vào tháng 3 năm nay, vẫn bị Mỹ chế tài vì vai trò của ông trong thương vụ mua vũ khí năm 2017 từ nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, Rosoboronexport. Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ muốn các biện pháp trừng phạt được áp đặt vào năm 2018 được dỡ bỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận.

Ông Lý và các quan chức cấp cao khác cũng nói rằng họ muốn có dấu hiệu “tôn trọng lẫn nhau” từ Mỹ - giảm bớt hoạt động tuần tra và giám sát ngoài khơi bờ biển Trung Quốc và chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan. Cả hai điều đó sẽ không xảy ra. Căng thẳng có từ trước khi ông Lý được bổ nhiệm, với việc Bắc Kinh hủy bỏ ba con đường liên lạc quân sự vào tháng 8 năm 2022 để phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi. Điều này đã làm thất bại các cuộc đàm phán lên kế hoạch giữa các bộ chỉ huy, sự phối hợp chính sách quốc phòng thông thường và các cuộc tham vấn quân sự hàng hải, bao gồm các vấn đề an toàn hoạt động.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết kể từ năm 2021, Trung Quốc đã từ chối hoặc không phản hồi hơn chục yêu cầu đàm phán với Ngũ Giác Đài và gần 10 yêu cầu tham gia ở cấp độ làm việc.

Các nước trong khu vực đang theo dõi chặt chẽ, với một số lo ngại bị lôi kéo vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn hoặc buộc phải chọn bên giữa Mỹ-Trung.

Các sĩ quan quân đội đang phục vụ và đã nghỉ hưu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông tin liên lạc thông suốt ngoài các nhà lãnh đạo chính trị, trước những nguy cơ tính toán sai lầm trong tác chiến.

Đóng băng sâu như thế nào?

Đáng kể, nhưng không phải hoàn toàn. Các nhà ngoại giao và nhà phân tích Trung Quốc nói rằng các tùy viên quân sự tại các Tòa đại sứ ở Bắc Kinh và Washington vẫn có thể gặp gỡ các quan chức - một yếu tố quan trọng trong giao tiếp thông thường.

Liên lạc quân sự thường lệ giữa tàu với tàu và máy bay với máy bay vẫn diễn ra và, theo ba nhà ngoại giao quen thuộc với tình hình, thường là chuyên nghiệp ở mức cơ bản. Tuy nhiên, tại những thời điểm căng thẳng, nó còn nguy hiểm hơn.

Các quan chức tình báo quân sự cấp cao của Trung Quốc cũng đã tham gia một cuộc họp bí mật của các điệp viên khu vực tại Singapore vào đầu tháng này - một phiên họp bao gồm Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines.

Tương lai như thế nào?

Washington sẽ vẫn thúc đẩy đối thoại quân sự - đó không phải là phần thưởng mà là điều cần thiết, ông Austin nói trong tháng này - nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Hoa Kỳ sắp dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Lý. Và những thay đổi đối với việc triển khai quân của Hoa Kỳ tới Đông Á hoặc một sự thay đổi đáng kể trong lập trường của họ đối với Đài Loan thậm chí còn khó xảy ra hơn.

Với việc ông Lý sẽ phục vụ nhiệm kỳ 5 năm, một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ không thể thúc đẩy các cuộc đàm phán với các quan chức quân sự cấp trên hoặc cấp dưới của ông.

Ông Zhou Bo, một đại tá cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc PLA đã nghỉ hưu và là thành viên cấp cao tại Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh, nói: “Việc Mỹ trừng phạt ông Lý giống như một con hổ cản đường.”

Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Yang Tao cũng nhấn mạnh chế tài đối với ông Lý trong tuần này, nói với Reuters tại một cuộc họp báo rằng đó là “một trong những lý do khiến chúng ta không thể có các cuộc trao đổi quân đội với quân đội. Trước tiên, Mỹ cần loại bỏ trở ngại này”.

Một số nhà phân tích quốc phòng nói rằng trong ngắn hạn, các cuộc thảo luận thường xuyên giữa các chỉ huy chiến trường sẽ xây dựng lòng tin và giảm bớt căng thẳng.

Một quan chức khác của Hoa Kỳ nói rằng người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino, đã có một yêu cầu thường trực để nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc, Tư lệnh Quân khu phía Đông, Tướng Lin Xiangyang, nhưng cuộc trò chuyện vẫn chưa diễn ra. Quan chức này cho biết một số tương tác cấp thấp hơn với quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục.

Về lâu dài, Ngũ Giác Đài mong muốn giao tiếp sâu rộng với Trung Quốc về các vấn đề chiến lược rộng lớn hơn, đặc biệt là việc tăng cường vũ khí hạt nhân của nước này, nhưng có những dấu hiệu khó khăn phía trước.

“Vẫn chưa rõ làm thế nào giới lãnh đạo và những người ra quyết định (Trung Quốc) chấp nhận tiền đề đằng sau sự ổn định chiến lược, bao gồm cả lợi ích của ổn định khủng hoảng và thông tin liên lạc,” phúc trình thường niên về Trung Quốc của Ngũ Giác Đài cho biết vào tháng 11 năm ngoái. “Các quan chức (Trung Quốc) đã do dự trong việc tham gia vào các vấn đề hạt nhân, không gian mạng và không gian vì nó liên quan đến việc giảm thiểu rủi ro chiến lược trong đối thoại chính thức hoặc không chính thức, đặc biệt là trong các kênh quốc phòng.”

Tại Singapore trong tháng này, Tướng Lý nói với cử tọa gồm các đối tác và học giả trong khu vực rằng Trung Quốc vẫn cởi mở với mối quan hệ quân sự nhưng “nguyên tắc cơ bản” phải là tôn trọng lẫn nhau.

Ông nói, nếu không có điều đó, “thì thông tin liên lạc của chúng ta sẽ không hiệu quả”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG