Đường dẫn truy cập

Quan hệ Mỹ-Pakistan vẫn trắc trở nhưng đang cải thiện


Ðại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan Richard Olson nói bang giao Mỹ-Pakistan đã bước qua một con đường tích cực hơn.
Ðại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan Richard Olson nói bang giao Mỹ-Pakistan đã bước qua một con đường tích cực hơn.
Ðại sứ Hoa Kỳ ở Pakistan Richard Olson là người đứng đầu phái bộ ngoại giao của Washington tại Islamabad từ cuối năm 2012, vào một thời điểm hai nước tập trung vào việc hàn gắn mối quan hệ thường bị căng thẳng giữa đôi bên. Ông nói chuyện với thông tín viên VOA Ayaz Gul về những mối quan ngại đối với kho vũ khí hạt nhân của Pakistan, tình hình tại Afghanistan và cuộc chiến chống lại các nhóm chủ chiến ở các vùng bộ tộc Pakistan.

Bang giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan đã qua nhiều sóng gió nhất là kể từ đầu năm 2011 khi một cuộc đột kích bí mật của quân đội Hoa Kỳ hạ sát Osama bin Laden sâu trong lãnh thổ Pakistan.

Bang giao đã tụt xuống các mức thấp lịch sử vài tháng sau khi một cuộc không kích của NATO gây thiệt mạng cho 24 binh sĩ Pakistan ở biên giới giáp với Afghanistan. Nhưng đại sứ Hoa Kỳ ở Islamabad, ông Richard Olson tuyên bố hai nước sau đó đã thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn ấy.

“Tôi nghĩ mối bang giao đã bước qua một con đường tích cực hơn kể từ sau thời điểm đó và nhất là trong vòng 8 tháng vừa qua. Cả hai bên thừa nhận rằng chúng ta có những điểm chung nhiều hơn là những gì ngăn cách hai nước chúng ta và chúng ta sẽ hợp tác với nhau trên các cơ sở lợi ích chung và trên các cơ sở tôn trọng lẫn nhau để thúc đẩy mối bang giao đi tới.”

Một vấn đề then chốt giữa hai bên vẫn là các nhóm chủ chiến có cơ sở ở các vùng bộ tộc Pakistan dọc theo đường biên giới giáp với Afghanistan.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ nhắm vào các nhóm này đã gây khó chịu cho chính phủ và công chúng Pakistan.

Trước đây, Hoa Kỳ đã hối thúc Pakistan có hành động quyết liệt hơn trong việc tiêu diệt các phần tử chủ chiến. Ðại sứ Olson ca ngợi vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng cho rằng sự hiện diện của các nhóm chủ chiến như mạng lưới Haqqani trên lãnh thổ Pakistan vẫn còn là một vấn đề gây quan ngại cho Washington.

Ông Olson tránh bình luận trực tiếp về các nỗ lực của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tìm cách tham gia các cuộc hòa đàm với các tổ chức bị đặt ra ngoài vòng pháp luật như Tehrik-e-Taliban Pakistan.

“Chính sách của chúng tôi và điều chúng tôi tán thành là chính phủ Pakistan mở rộng lệnh truy nã ra khắp lãnh thổ của họ qua bất cứ phương tiện nào được chọn hay phương pháp nào được chọn tùy thuộc chính phủ Pakistan.”

Một số người chỉ trích tiên đoán sẽ có khó khăn trong mối bang giao giữa Pakistan và Hoa Kỳ sau khi sứ mạng quân sự Mỹ chấm dứt ở Afghanistan bởi vì những mối quan ngại kéo dài ở Washington về sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân của Pakistan.

Tin tức của giới truyền thông Mỹ mới đây đã gợi ý rằng Hoa Kỳ đang mưu tìm các căn cứ ở Afghanistan sau năm 2014 để bảo đảm có thể mua chóng huy động lực lượng nhằm ngăn chặn vũ khí hạt nhân của Pakistan rơi vào tay các phần tử chủ chiến Hồi giáo. Ðại sứ Olson bác bỏ những bản tin này.

“Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng ở đây là nhắc lại những gì Tổng thống Obama đã tuyên bố sau chuyến thăm của Thủ tướng Nawaz Sharif, đó là chúng ta tin tưởng vào các biện pháp an toàn hạt nhân của Pakistan và lập trường có trách nhiệm của họ trong tư cách một quốc gia có vũ khí hạt nhân và điều đó đã không thay đổi và sẽ không thay đổi với một bài lời bình luận của các nguồn tin nặc danh có thể xuất hiện trên báo chí.”

Ðại sứ Olson nói Hoa Kỳ vừa mở rộng sự hợp tác với Pakistan nhất là trong khu vực năng lượng để giúp nước này khắc phục tình trạng thiếu hụt điện trầm trọng. Ông nói sự trợ giúp của Hoa Kỳ đã giúp các cơ sở phát điện tăng thêm 1.000 megawatt điện năng cấp thiết cho mạng lưới quốc gia của Pakistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG