Đường dẫn truy cập

Quan chức cao cấp Bộ Tư pháp Mỹ bênh vực cuộc điều tra của Mueller


Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein phát biểu trong một phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện trong Điện Capitol, ngày 13 tháng 12, 2017.
Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein phát biểu trong một phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện trong Điện Capitol, ngày 13 tháng 12, 2017.

Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein hôm thứ Tư bác bỏ các cáo buộc của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa rằng các công tố viên và các đặc vụ điều tra những cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 thiên vị chống Tổng thống Donald Trump.

Các nghị sĩ Cộng hòa gần đây đã công kích Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người đã buộc tội bốn phụ tá của ông Trump trong cuộc điều tra của ông, cũng đang tìm hiểu xem liệu có sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và các quan chức Moscow hay không.

Nga phủ nhận các kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Moscow đã tấn công tin tặc và tung tin xuyên tạc để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Ông Trump thì nói không có sự thông đồng.

Tại phiên điều trần hôm thứ Tư, các nghị sĩ Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện gia tăng chỉ trích ông Mueller, chỉ ra những tin nhắn văn bản giữa hai nhân viên của FBI, bao gồm một người trong ban điều tra của ông, là thể hiện thiên kiến chống Trump.

Các nghị sĩ Cộng hòa cho biết họ đã xem qua hơn 300 tin nhắn chống Trump được trao đổi qua lại vào năm ngoái giữa luật sư FBI Lisa Page và Peter Strzok, một đặc vụ FBI tham gia cuộc điều tra của ông Mueller.

Các thành viên của ủy ban đọc lớn nội dung của một số tin nhắn giữa ông Strzok và bà Page.

Một số tin nhắn gọi ông Trump là "thằng đần" và một "kẻ đáng ghét," theo những bản sao của một mẫu các tin nhắn này mà hãng tin Reuters xem qua.

Trong một cuộc trao đổi vào tháng 7 năm 2016 họ chế giễu ban vận động tranh cử của ông Trump tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa.

"Chúa ơi, tôi xấu hổ cho họ quá. Mấy người này như những ngôi sao lỗi thời," bà Page trả lời tin nhắn của ông Strzok. "Và wow, Donald Trump sao mà khốn nạn thế không biết."

Những tin nhắn này cho thấy "thiên kiến cực điểm chống lại Tổng thống Trump. Chuyện này không thôi đã đủ tệ rồi, vậy mà hai người này còn nằm trong đội ngũ thượng thừa của Mueller điều tra người mà họ đã tỏ thái độ khinh miệt," Bob Goodlatte, dân biểu Cộng hòa làm Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói.

Tuy nhiên, trong một số tin nhắn mà Reuters đã xem qua, ông Strzok dường như cũng không hào hứng về ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Tự mô tả mình là "người theo Đảng Dân chủ có quan điểm bảo thủ," ông trong một tin nhắn tỏ ra lo ngại về việc bà đắc cử, và có lúc phàn nàn rằng một số cơ quan truyền thông nhất định đã thiên vị vì hạ giảm mối liên hệ của bà với ngành dầu khí.

"Đây là sự thiên vị rõ ràng hết sức của giới truyền thông đặc biệt là NYTIMES, WAPO và CNN, mà nếu tìm hiểu thì sẽ thấy tất cả họ đều có những người quyên góp lớn cho Clinton," ông viết.

Ông Rosenstein, người bổ nhiệm ông Mueller, cho biết công tố viên đặc biệt đã hành xử thỏa đáng khi loại bỏ đặc vụ này, Peter Strzok, khỏi cuộc điều tra sau khi Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp tiết lộ những tin nhắn này, và nói thêm rằng ông tin tưởng ông Mueller không để cho thiên kiến chính trị ảnh hưởng tới cuộc điều tra.

Khai chứng trước khi ủy ban, ông Rosenstein nói ông "không biết" về bất kỳ hành vi không đúng mực nào của đội ngũ của ông Mueller.

Khi thành viên cao cấp nhất của phe Dân chủ trong ủy ban hỏi ông có bất cứ lý do chính đáng nào để sa thải ông Mueller hay không, ông trả lời: "Không."

Ông cũng nói ông nghĩ ông Mueller là "sự lựa chọn lý tưởng" để dẫn đầu cuộc điều tra, và nói rằng chỉ bởi vì một người có liên hệ với một đảng chính trị không có nghĩa là người đó sẽ thiên vị.

Ông nói ông đã thảo luận vấn đề thiên vị với ông Mueller và nói rằng ông Mueller "đang điều hành văn phòng công tố viên đặc biệt một cách thỏa đáng."

VOA Express

XS
SM
MD
LG