Đường dẫn truy cập

Phụ nữ gốc Việt kiện các công ty bán chất độc da cam cho chính phủ Mỹ


Bà Trần Tố Nga trả lời phỏng vấn của France24 về lý do vì sao bà đưa vụ kiện các công ty đa quốc gia bán chất độc da cam cho chính phủ Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam.
Bà Trần Tố Nga trả lời phỏng vấn của France24 về lý do vì sao bà đưa vụ kiện các công ty đa quốc gia bán chất độc da cam cho chính phủ Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam.

Một tòa án ở Pháp vừa bắt đầu xét xử vụ án chống lại hơn một chục công ty đa quốc gia bị một phụ nữ gốc Việt kiện là đã gây tổn hại cho bà và những người khác do đã bán chất độc da cam cho chính phủ Hoa Kỳ mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, theo truyền thông Pháp.

Bà Trần Tố Nga, 78 tuổi và từng là nhà báo và nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam khi ở độ tuổi 20, đệ đơn kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán hóa chất có độc tính cao, bao gồm Monsanto, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn khổng lồ Bayer của Đức và Dow Chemical, vào năm 2014, theo France 24.

Được sự hậu thuẫn của một số tổ chức phi chính phủ, bà Nga cáo buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về những thương tích mà bà, con cái bà và nhiều người khác phải gánh chịu, cũng như những thiệt hại đối với môi trường.

“Việc công nhận các nạn nhân dân sự của Việt Nam sẽ trở thành một tiền lệ pháp lý,” chuyên gia luật quốc tế Valérie Cabanes nói với AFP.

Cho đến nay, chỉ có các cựu chiến binh quân đội – từ Mỹ, Úc và Hàn Quốc – được bồi thường cho hậu quả của chất hóa học có tính độc hại mà bà Cabanes nói là "hoàn toàn kinh khủng", gấp khoảng 13 lần độc tính của thuốc diệt cỏ trong dân dụng như glyphosat.

Bốn triệu người ở Việt Nam, Lào và Campuchia đã bị phơi nhiễm chất độc da cam, theo số liệu của các tổ chức phi chính phủ được France 24 và AFP trích dẫn, trong hơn một thập kỷ khi quân đội Hoa Kỳ rải ước tính 76 triệu lít (20 triệu gallon) chất diệt cỏ và chất làm rụng lá để ngăn chặn các bước tiến của quân cộng sản miền Bắc trong Chiến tranh Việt Nam.

Hoa Kỳ chấm dứt việc sử dụng chất làm rụng lá trong chiến tranh vào năm 1971, và rút khỏi Việt Nam vào năm 1975.

Các tổ chức phi chính phủ cho biết chất độc da cam đã phá hủy thực vật, làm ô nhiễm đất và gây độc hại cho động vật, cũng như gây ung thư và dị tật ở người.

“Tôi không đấu tranh cho bản thân mình, mà cho những đứa con của tôi và cho hàng triệu nạn nhân,” bà Nga nói với AFP và cho biết chất da cam tấn công hệ miễn dịch của con người.

Bản thân bà Nga cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, với các ảnh hưởng bao gồm bệnh tiểu đường loại 2 và dị ứng insulin rất hiếm gặp. Bà cho AFP biết, bà cũng mắc bệnh lao hai lần, bị ung thư, và một trong những con gái của bà đã chết vì dị tật tim.

Luật sư Cabanès cho biết hàng năm có khoảng 6.000 trẻ em được chẩn đoán dị tật bẩm sinh ở Việt Nam. Theo thống kê Hội Nhạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam (VAVA), hơn ba triệu người ở Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin, còn gọi là chất độc da cam, trong chiến tranh và ít nhất một triệu người đang bị ảnh hưởng từ chất độc này.

Các công ty đa quốc gia lập luận rằng họ không thể chịu trách nhiệm về việc quân đội Mỹ sử dụng sản phẩm của họ.

Tiếp xúc với AFP trước phiên tòa, đại diện của Bayer nói rằng chất độc da cam được tạo ra "dưới sự quản lý duy nhất của chính phủ Mỹ cho các mục đích quân sự riêng".

Ngay sau khi thủ tục tố tụng bắt đầu hôm 25/1, các luật sư của công ty dược đa quốc gia của Đức lập luận rằng tòa án ở Evry, một vùng ngoại ô phía nam của Paris, không có thẩm quyền thích hợp để tổ chức phiên tòa, theo France 24.

Các nhà quan sát được AFP trích lời cho biết trước phiên tòa rằng họ mong đợi nguyên đơn và các luật sư của bà Nga lập luận rằng những người tạo ra chất độc da cam đã đánh lừa chính phủ Mỹ về độc tính thực sự của nó.

Phiên toà xét xử ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 10, nhưng đã bị hoãn lại do các hạn chế vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đây không phải lần đầu tiên một nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty trên ra toà.

Hồi năm 2004, VAVA đã thay mặt cho các nạn nhân từ Việt Nam kiện Monsanto, Dow Chemical và 30 công ty khác đã sản xuất chất da cam lên một toà án liên bang Mỹ ở New York. Tuy nhiên, theo truyền thông Việt Nam, tổ chức này đã 3 lần bị toà án Mỹ bác đơn kiện.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi năm 2018 nói rằng Monsanto phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG