Đường dẫn truy cập

Philippines, Nhật hứa hợp tác trước sự hiện diện ngày càng tăng của TQ trên biển


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trái, bắt tay Tổng thống Philippines Benigno Aquino III trong cuộc họp báo chung tại Manila, Philippines, 27/7/2013
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trái, bắt tay Tổng thống Philippines Benigno Aquino III trong cuộc họp báo chung tại Manila, Philippines, 27/7/2013
Philippines và Nhật Bản tái xác nhận cam kết hợp tác về các vấn đề an ninh hàng hải vào lúc Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện trên vùng biển tranh chấp châu Á.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kết thúc chuyến viếng thăm 3 nước Đông Nam Á bằng chặng dừng chân tại Philippines ngày thứ Bảy.

Tiếp theo những cuộc thảo luận tại Malaysia và Singapore, ông gặp Tổng thống Benigno Aquino tại Manila nơi hai vị nguyên thủ quốc gia đã có những cuộc thảo luận mà ông Abe gọi là “thẳng thắn trao đổi quan điểm” và “rất xây dựng.”

Phát biểu qua một thông dịch viên tại Phòng Tiếp tân của Dinh Tổng thống, ông Abe nói thúc đẩy sự hợp tác hàng hải là một trong bốn lãnh vực chính Nhật Bản đang chú tâm đến trong đối tác chiến lược giữa hai nước. Ông nói:

“Chúng tôi xác nhận tiếp tục trợ giúp về việc xây dựng khả năng của Tuần duyên Philippines và tôi đã loan báo chúng tôi sẽ cung cấp 10 tàu qua các khoản vay bằng đồng yen.”

Philippines đang tăng cường các trang bị chiến tranh nhỏ bé của nước này và đang dự trù có thêm nhiều tàu cho đội tàu tuần tiểu của Philippines. Các giới chức Philippines nói 10 tàu này sẽ được đóng tại Nhật Bản để thời gian giao tàu được nhanh hơn. Các giới chức này hy vọng có được tàu trước khi nhiệm kỳ Tổng thống chấm dứt vào năm 2016. Philippines cũng đang thảo luận với Ý và Nam Triều Tiên để nhận thêm máy bay và tàu chiến.

Các giới chức Philippines nói tất cả việc này nhằm xây dựng “khả năng phòng thủ tối thiểu” của nước này, đặc biệt trên Biển Nam Trung Hoa, nơi trong những năm gần đây, Trung Quốc đã công khai tái xác nhận chủ quyền trên toàn thể vùng biển. Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn thể vùng biển giàu tài nguyên này.

Trong hơn một năm, giữa Manila và Trung Quốc đã diễn ra cuộc tranh chấp ngoại giao về Bãi cạn Scarborough. Gần đây nhất, Philippines cho biết là có nhiều tàu hải giám Trung Quốc và một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc tại gần Bãi cạn Second Thomas, một vùng đảo đá cả hai nước đều nhận chủ quyền. Thông tấn xã AP trong tuần này loan tin là chính phủ thấy có sự hiện diện của những tàu Tuần duyên Trung Quốc gần vỉa đá ngầm Mischief trong Quần đảo Trường Sa.

Tổng thống Aquino nói cuộc gặp với Thủ tướng Abe tái xác nhận quyết tâm của hai bên về đối tác chiến lược giữa hai nước. Tổng thống Aquino cũng nói hai quốc gia hứa tiếp tục ủng hộ “những hành động trách nhiệm của các nước liên hệ.” Ông nói:

“Chúng tôi tin là điều này có thể được thực hiện bằng cách tuân thủ luật pháp trong các vấn đề quốc tế và bằng cách tìm những giải pháp công bình và hòa bình cho những cuộc tranh chấp lãnh thổ và những quan tâm về hàng hải để chúng tôi có thể kiến tạo một môi trường an ninh và ổn định đưa đến những tiến bộ tập thể.”

Truyền thông nhà nước Trung Quốc trong tuần này loan tin là chuyến đi thăm các nước Đông Nam Á của Thủ tướng Abe thất bại trong việc kiềm chế Trung Quốc. Các bản tin cũng cảnh báo việc Nhật Bản chuyển sang bành trướng quân sự và xa rời hiến pháp hòa bình của nước này theo đó lực lượng an ninh của Nhật Bản chỉ nhằm mục đích tự vệ, có thể gây nên “một cuộc chạy đua vũ trang tại Đông Á.” Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc trước đây loan tin là bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao đã cảnh báo Thủ tướng Abe về điều được gọi là “theo khuynh hướng đối đầu mù quáng.”

Tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc về một nhóm đảo ở Biển Đông Trung Hoa bùng phát vào tháng 9 năm ngoái, gây nên báo động tại Hoa Kỳ, đồng minh của Nhật Bản trong một hiệp ước về phòng vệ. Trong tuần này Nhật Bản cho máy bay phản lực đón đầu một máy bay của Trung Quốc bay trên không phận quốc tế rất gần nhóm đảo tranh chấp.

Tại một cuộc họp báo ở Manila sau đó, Thủ tướng Abe nói mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc là “quan trọng” và ông nhắc lại sự cần thiết mở những cuộc đối thoại cấp cao giữa hai nước.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG