Đường dẫn truy cập

Philippine có thể tái tục khoan dầu ở Biển Đông năm nay


Các nhà hoạt động Philippines cầm biểu ngữ đứng trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để phản đối hoạt động xây dựng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, ngày 24/1/2017. Bãi Cỏ Rong, nơi Philippines sắp tái tục khoan dầu, cũng nằm trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Các nhà hoạt động Philippines cầm biểu ngữ đứng trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để phản đối hoạt động xây dựng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, ngày 24/1/2017. Bãi Cỏ Rong, nơi Philippines sắp tái tục khoan dầu, cũng nằm trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Philippines có thể tái tục khoan dầu và khí đốt tự nhiên ở Bãi Cỏ Rong trong Biển Đông trước cuối năm nay, khi chính phủ nước này chuẩn bị cho đấu thầu các lô dầu mới cho các nhà đầu tư vào tháng 12, Reuters dẫn lời một giới chức năng lượng Philippines cho biết hôm thứ Tư 12/7.

Philippines đã đình chỉ công tác thăm dò dầu khí tại Bãi Cỏ Rong vào cuối năm 2014 để theo đuổi vụ kiện Trung Quốc ra trước tòa trọng tài quốc tế về vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Bãi Cỏ Rong cũng nằm trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Ông Ismael Ocampo, giám đốc Cục Phát triển Tài nguyên, Bộ Năng lượng Philippines, nói với các nhà báo rằng cơ quan này dự kiến lệnh đình chỉ sẽ được dỡ bỏ vào tháng 12.

Ông cho biết một chỉ thị từ Bộ Ngoại giao chỉ đạo Bộ Năng lượng tái tục các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông đã có hiệu lực.

Đúng một năm trước, tòa trọng tài ở La Haye đã ra phán quyết, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông.

Phán quyết, mà Trung Quốc không công nhận, xác định rõ quyền chủ quyền của Philippines trong khu vực độc quyền kinh tế 200 dặm, để tiếp cận các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, trong đó có Bãi Cỏ Rong, cách bờ biển Philippines 85 hải lý.

Năm 2011, các tàu tuần tra của Trung Quốc suýt nữa đã đâm vào một tàu khảo sát của Philippines tại Bãi Cỏ Rong.

Tổng thống Rodrigo Duterte, người lên nắm quyền ngay trước khi tòa án La Haye ra phán quyết ủng hộ Manila, tuyên bố thể nào ông cũng nêu phán quyết có tính bước ngoặt lên với Trung Quốc, nhưng trước hết ông cần củng cố các quan hệ giữa hai nước.

Philipines chủ yếu dựa vào nhập khẩu để thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển nhanh của mình. Nhưng nước này cũng đang chịu sức ép phải phát triển các nguồn năng lượng nội địa. Nguồn khí đốt thiên nhiên chủ yếu của nước này, mỏ Malampaya gần vùng biển có tranh chấp, sẽ cạn kiện trong vòng chưa đầy một thập niên nữa.

Có dấu hiệu khu vực Bãi Cỏ Rong có nhiều tiềm năng về khí tự nhiên.

Hơn mười hai lô dầu, khí đốt và than đá, bao gồm các khu vực bổ sung trong vùng biển tranh chấp, có thể sẽ được đưa ra trong cuộc đấu thầu vào tháng 12, theo lời ông Ocampo.

XS
SM
MD
LG