Đường dẫn truy cập

Pháp, Đức cảnh cáo Nga không được gây cản trở cho cuộc bầu cử tổng thống Ukraine


Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại 1 cuộc họp báo chung ở Stralsund, 10/5/2014.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại 1 cuộc họp báo chung ở Stralsund, 10/5/2014.
Pháp và Đức vừa lên tiếng cảnh cáo Nga về “các hậu quả” nếu cuộc bầu cử tổng thống ngày 25 tháng 5 ở Ukraine không diễn ra như kế hoạch đã định.

Tại cuộc họp báo chung ngày hôm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng họ sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp chế tài nhắm vào Moskova nếu cuộc bầu cử không được tổ chức.

Hai nhà lãnh đạo, khi phát biểu tại đông bắc nước Đức, cũng khẳng định quan điểm của họ là cuộc trưng cầu dân ý mà phiến quân đòi ly khai thân Nga định thực hiện vào ngày mai tại hai khu vực bất ổn ở miền đông Ukraine là bất hợp pháp.

Phiến quân nói rằng họ quyết định xúc tiến cuộc trưng cầu dân ý, mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần này kêu gọi họ hoãn lại.

Trước đó trong ngày hôm nay, phiến quân đòi ly khai ở Ukraine đã trả tự do cho 7 nhân viên Hội Hồng Thập Tự mà họ bắt hôm qua. Những người này được thả ngày hôm nay tại Donetsk. Một giới chức Hội Hồng Thập Tự cho hãng thông tấn Reuters biết rằng một nhân viên đã bị đánh dập rất dữ dội.

Những phần tử đòi ly khai thân Nga trước đó cho biết họ tin là toán nhân viên Hội Hồng Thập Tự này làm gián điệp.

Hôm qua, binh sĩ Ukraine đi trên xe bọc sắt ở thành phố cảng Mariupol đã xông qua những rào cản bao quanh một trụ sở cảnh sát bị những phần tử đòi ly khai thân Nga chiếm đóng. Những người mục kích nói rằng vụ tấn công gây tử vong cho 7 người và hình ảnh trên truyền hình cho thấy tòa nhà này bị thiêu rụi.

Bạo động ở thành phố cảng ven biển Azov xảy ra trước cuộc trưng cầu dân ý ở khu vực này vào ngày mai về việc tách khỏi Ukraine để thành lập một nước độc lập có tên là Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Một cuộc trưng cầu dân ý tương tự cũng sẽ diễn ra cho khu vực Luhansk ở kế bên. Các cuộc thăm dò hồi gần đây cho thấy 70% dân chúng ở miền đông Ukraine muốn tiếp tục là một phần của Ukraine.

Cuộc phản công của chính phủ diễn ra trong lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm bán đảo Crimea của Ukraine lần đầu tiên kể từ khi Moskova sáp nhập phần đất này hồi tháng 3. Hôm qua, ông Putin nói với các binh sĩ Nga ở Sevastopol rằng năm 2014 sẽ được nhớ là “năm mà người dân sinh sống ở đây tỏ rõ ý định muốn hợp nhất với Nga.”

Hoa Kỳ, là nước không công nhận sự sáp nhập đó, nói rằng chuyến viếng thăm của ông Putin “có tính chất gây hấn và không cần thiết”, và vụ sáp nhập Crimea là “bất hợp pháp và không chính đáng.” Bộ Ngoại giao Ukraine nói rằng chuyến đi đó là “một sự vi phạm trắng trợn” chủ quyền Ukraine và là “một hành động khiêu khích.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG