Đường dẫn truy cập

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên gợi ý quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il đã kết thúc chuyến đi hãn hữu ra ngoài nước đến Trung Quốc. Ông bầy tỏ sự ủng hộ dành cho mục tiêu chung cuộc là giải giới hạt nhân, nhưng sự kiện ông được tiếp đón trọng thể tại Trung Quốc là một yếu tố gây khó chịu cho các giới chức Nam Triều Tiên vẫn nghi ngờ miền Bắc đã làm đắm một trong những chiếc tầu hải quân của họ. Từ Seoul, thông tín viên VOA Kurt Achin gửi về bài tường thuật sau đây.

Tin cho hay hôm nay lãnh tụ Bắc Triều Tiên, người được cho là rất ghét đi máy bay, đã từ Trung Quốc trở về nước trên một chuyến tàu bọc thép đặc biệt.

Ông Kim đã ở Trung Quốc 4 ngày, và dừng chân tại các thành phố cảng Đại Liên và Thiên Tân ngoài việc đi thăm thủ đô Bắc Kinh.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trưng bầy hình ảnh của ông Kim cùng với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, mà theo lời xướng ngôn viên tin tức, đã chào mừng ông Kim đến Trung Quốc để giải quyết các vấn đề phi chính phủ.

Các hình ảnh khác trên đài truyền hình Trung Quốc cho thấy ông Kim tóc thưa nhiều và đi hơi cà nhắc, khơi ra những lời đồn về tiến triển của ông kể từ khi người ta cho rằng ông đã bị một cơn đột quỵ vào năm 2008.

Tân Hoa Xã hôm nay nói ông Kim đã không thay đổi lập trường “tán đồng việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.” Bản tin của Tân Hoa Xã nói rằng ông sẽ thảo luận “việc tạo dựng các điều kiện thuận lợi” để nối lại các cuộc đàm phán 6 bên nhằm hủy bỏ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Từ mấy chục năm nay, Trung Quốc đã là cứu cánh về thực phẩm, nhiên liệu và tiền mặt cho nền kinh tế què quặt của miền Bắc. Ông Hong Hyun-ik thuộc Viện Sejong, một tổ chức nghiên cứu chuyến về an ninh quốc gia ở Seoul. Ông nói rằng những lời bình luận của ông Kim về vấn đề hạt nhân là một lá bài để lấy thêm viện trợ của Trung Quốc.

Ông Hong nói rằng Bắc Triều Tiên dường như sẵn sàng bãi bỏ các điều kiện mà họ đã đề ra trong quá khứ để trở lại các cuộc đàm phán hạt nhân để đổi lấy viện trợ. Kết quả, theo ông, Trung Quốc sẽ giữ được vinh hạnh chủ trì các cuộc đàm phán hạt nhân, và miền Bắc sẽ nhận được một số viện trợ trong lúc khó khăn dưới hình thức thực phẩm và dầu.

Các hình ảnh về sự hiếu khách của Trung Quốc đối với ông Kim đã gây khó chịu cho nhiều người ở Nam Triều Tiên, nơi công chúng dường như ngày càng tin rằng miền Bắc đóng một vai trò trong vụ đắm một trong những chiếc tầu của Hải quân Nam Triều Tiên.

46 thủy thủ Nam Triều Tiên đã thiệt mạng hồi tháng 3 khi một vụ nổ phá tung chiếc tàu của họ làm hai gần một vùng biên giới trên biển mà Bắc Triều Tiên đã phủ nhận lâu nay.

Các cơ quan truyền thông Nam Triều Tiên trích lời các giới chức không nêu danh tính nói rằng nhân viên điều tra đã tìm thấy thuốc súng và những mảnh nhỏ giống như của một ngư lôi cắm vào xác tàu.

Seoul chưa công khai đổ lỗi cho miền Bắc. Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak hôm nay nói nếu chứng minh được là miền Bắc có tội, ông tin rằng Trung Quốc sẽ “thông cảm và đóng một vai trò.”

Ông Chung Mong-joon, chủ tịch Đảng Quốc Đại của ông Lee, đã tỏ ra khó chịu khi thấy Trung Quốc tiếp đón lãnh tụ Bắc Triều Tiên.

Ông Chung nói rằng Trung Quốc có thể cho phép thực hiện chuyến thăm bất kể những mối quan ngại về phía Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ, nhưng ông nói thêm rằng nếu chứng minh được là Bắc Triều Tiên có dính dấp đến vụ chiếc tàu Cheonan bị đắm, thì Trung Quốc sẽ không thể nào bao che cho miền Bắc được nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG