Đường dẫn truy cập

Nhiều nước ngại xin đăng cai Olympic vì kinh phí đắt đỏ


Sau khi thủ đô Oslo của Na Uy rút tên xin đăng cai Thế vận hội Mùa đông năm 2022, chỉ còn hai thành phố còn lại trong cuộc đua là Bắc Kinh và thành phố Almaty của Kazakhstan. Thông tín viên Henry Ridgwell tường thuật từ London, thành phố đăng cai Olympic hồi gần đây, rằng với việc chi tiêu hàng chục tỉ đô la cho sự kiện thể thao này, nhiều người lo ngại những ứng cử viên tiềm năng đang cảm thấy nản lòng.

Oslo được xem là thành phố dẫn đầu trong cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông năm 2022, vì Na Uy là nước có kinh nghiệm tổ chức Olympic và người dân nước này rất hâm mộ thể thao mùa đông.

Thủ tướng Erna Solberg thông báo quyết định rút đơn ứng cử của Oslo vào đầu tháng này, sau khi dường như không nhận được sự ủng hộ của công chúng.

Bà nói điều quan trọng là phải có được sự ủng hộ rộng rãi cho một dự án lớn và tốn kém như Thế vận hội.

Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2014 tại Sochi báo hiệu sự khởi đầu của một trong những sự kiện thể thao tốn kém nhất từng được tổ chức - với kinh phí ước tính là 51 tỉ USD.

Những lo ngại về chi phí kể từ đó đã tăng mạnh và sự kỳ vọng của toàn cầu đang khiến nhiều ứng cử viên Olympic tiềm năng nản lòng, theo lời nhà sử học Philip Barker:

"Thường có một cạnh tranh giống như chạy đua vũ trang giữa các thành phố đăng cai Olympic để làm lễ khai mạc hoành tráng hơn nhiều so với lần trước, cơ sở vật chất nổi bật hơn."

Một số thành phố đã rút tên khỏi cuộc đua - bao gồm Munich, Stockholm, St Moritz, Krakow và Lviv.

Trong nhiều trường hợp người dân bày tỏ lo ngại về việc sử dụng các cơ sở này trong tương lai. Ông Philip Barker nói:

"Họ có cơ sở tuyệt vời này ở vùng núi bên trên thành phố Sochi nhưng rất khó để lên tới đó, rất khó để họ thực sự thu hút được khách đến sử dụng những cơ sở này trong những năm tới. Điều nguy hiểm là những cơ sở này có thể có kết cục giống như Athens với rất nhiều cơ sở. Có lẽ trong thời gian 10 năm chúng sẽ bị bỏ bê không dùng đến nữa."

Tại Na Uy, truyền thông địa phương đưa tin về sự giận dữ trước đòi hỏi của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), mà trong đó có yêu cầu được tiếp kiến nhà vua. Thị trưởng Oslo Fabian Stang nhận xét về cách làm việc của IOC.

Ông nói đây lẽ ra là một sự kiện hoan hỉ, nhưng quá nhiều người tỏ ra hoài nghi, cả về cách thức làm việc của IOC và về chi phí.

IOC nói Na Uy đưa quyết định dựa trên "những thông tin không xác thực."

Ủy ban chỉ còn lại hai ứng cử viên là Bắc Kinh, đang tìm cách để trở thành thành phố đầu tiên tổ chức cả Thế vận hội mùa hè và mùa đông, và thủ đô Almaty của Kazakhstan.

Cả hai nước đều đối diện với những chỉ trích về vi phạm nhân quyền tràn lan. Sử gia Philip Barker nói rằng những mối quan tâm đó đang bị xếp sau khả năng chi trả.

"Thế vận hội dù sao cũng là một phong trào hòa bình và phong trào thể thao. Nhưng nếu nhìn vào những nước đang tổ chức những sự kiện chính tại thời điểm này, có vẻ như IOC muốn trao trách nhiệm đăng cai vào tay một nước nào đó có đủ khả năng làm điều đó."

Việc Oslo rút khỏi cuộc đua giành quyền đăng cai có nghĩa là sự kiện thể thao năm 2022 sẽ là Thế vận hội thứ ba liên tiếp được tổ chức tại châu Á. Thế vận hội Mùa đông 2018 sẽ được tổ chức tại thành phố Pyeongchang của Hàn Quốc và Thế vận hội Mùa hè 2020 ở Tokyo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG