Đường dẫn truy cập

Nhiều cuộc biểu tình chống ông Trump khắp Hoa Kỳ


Những người biểu tình chống ông Trump ở Seattle.
Những người biểu tình chống ông Trump ở Seattle.

Hơn 1.000 người trên Facebook đã thể hiện sự quan tâm tới cuộc tuần hành ở Louisville, tiểu bang Kentucky – nơi đầu tiên ông Trump giành chiến thắng trong đêm bầu cử.

Cuộc tuần hành được tổ chức bởi những người cho rằng họ “chống những người phân biệt chủng tộc, ghét phụ nữ, ghét người chuyển giới, và bài ngoại”.

Một cuộc biểu tình nhỏ hơn sẽ diễn ra ở Boise, tiểu bang Idaho, nơi đã bầu cho ông Trump hôm thứ Ba. Hàng chục người dân đã cam kết tranh đấu “chống lại ông [Trump] mỗi ngày trong 4 năm tới” lên kế hoạch tập hợp bên ngoài tòa nhà hành chính tiểu bang.

Khi được hỏi về nguyên nhân và thông điệp của việc hàng ngàn người biểu tình chống lại tổng thống tân cử Donald Trump, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, Đại học Havard, Hoa Kỳ, cho biết:

“Làm sao tôi dám tiên đoán là trong óc họ nghĩ cái gì. Chỉ có thường thấy mấy cái khẩu hiệu của họ thì họ tức giận thôi. Có thể nói về hai khía cạnh, khía cạnh họ làm như thế có thể lật ngược được thế cờ hay không. Rồi cái nguyên nhân trong óc họ, làm sao mà họ uất ức như vậy đó, thì mình thấy mấy cái khẩu hiệu của họ thì mình đoán, nhưng mà không đoán hết được đâu.”

Cũng theo Tiến sĩ Tài, có thể do kết quả bầu cử đã ngược lại so với sự kỳ vọng của những người ủng hộ bà Clinton, cũng như các cuộc thăm dò trước đây đều đưa ra kết quả khả quan cho ứng cử viên Đảng Dân chủ này, đã khiến họ thất vọng và “uất ức” nên dẫn đến biểu tình.

Mặc dù cho rằng biểu tình cũng vô ích vì việc ông Trump trúng cử với đại đa số phiếu cử tri đoàn vẫn đúng với Hiến pháp Hoa Kỳ, Tiến sĩ Tài nói vẫn nên để cho người dân biểu tình để biểu lộ sự uất ức.

Hơn 2.000 người cho biết họ sẽ tham gia một cuộc biểu tình chống lại ông Trump ở Minneapolis, một thành phố theo phe Dân chủ của tiểu bang Minnesota, nơi bà Clinton đã chiến thắng ông Trump.

Cuộc tuần hành nhằm phản đối việc chối bỏ sự tồn tại của biến đổi khí hậu, xây bức tường ở biên giới Mexico, và cố gắng “lấy lại” quyền của phụ nữ và giới LGBT.

Và ở tiểu bang mang tính quyết định Ohio, nơi đã bỏ phiếu cho ông Trump, gần 600 người đã cho biết trên Facebook rằng họ sẽ liên kết biểu tình với người Mỹ gốc Phi, giới LGBT, và Mỹ La tinh.

Từ San Jose, một cử tri gốc Việt tên Tiên Bùi cho VOA biết: “Nếu người ta không chấp nhận cái kết quả thì người ta phải làm cách gì đó để thay đổi cái hệ thống bầu cử của nước Mỹ, chứ không phải là đứng ra rồi không chấp nhận cuộc bầu cử này.”

Chị cho biết thêm về nguyên nhân có thể khiến người Mỹ đổ ra đường biểu tình: “Cái này không có công bằng cho cái lá phiếu của mỗi một người dân. Họ quan niệm mỗi một lá phiếu là một cái quyền của người dân đi bầu, và người dân đa số bầu cho bà Hillary cho nên họ không chấp nhận cái hệ thống bầu cử của Mỹ nữa.”

Hôm thứ Tư, hàng ngàn người đã xuống đường ở New York, Washington, Miami, Philadelphia và Boston để biểu tình chống lại chiến thắng của ông Donald Trump. Có thông tin về tình trạng bạo lực và bắt bớ.

Ở bờ Đông của nước Mỹ, những người biểu tình ở Miami, Philadelphia và Boston mang những tấm bảng kêu gọi luận tội ông Trump và chấm dứt Cử tri Đoàn, tiến trình bầu cử ghi trong hiến pháp khiến ông Trump đắc cử bất chấp việc ông thua số phiếu phổ thông.

Ngay cả ở Texas, một thành trì của Đảng Cộng hòa, cũng có biểu tình ở những thành phố lớn, bao gồm Dallas và thủ phủ Austin.

Những người Mỹ biểu tình chống ông Trump đã lên kế hoạch biểu tình vào cuối tuần này ở thủ đô Washington.

Chị Lanney Tran, một cử tri gốc Việt ở Los Angeles, đưa ra nhận định về các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp nước Mỹ: “Những cái người mà biểu tình đa số là học sinh. Cái thời mà ông Obama đó, là cái thời mà họ còn đang ở trong trung học và bây giờ khi mà họ bước ra đường họ biểu tình đó là họ được huấn luyện qua 8 năm trời về cái tư tưởng, cái sự ích kỷ, cái tôi khi mà mình không đạt được cái điều mình muốn là mình sẽ nổi loạn lên. Cái đó là một điều sai. Mình thua, mình chấp nhận mình thua, ví dụ như bà Hillary, bà lên nói rất là chân thành và rất là hay là tôi đã thua, nhưng mà thua trong sự khiêm tốn và vẻ vang trong cái thua của mình.”

Theo chị Lanney, các cuộc biểu tình chống Trump đang diễn ra “rất là đáng buồn” vì quyền biểu lộ tư tưởng của người dân đã bị lạm dụng khi những lá quốc kỳ Mỹ bị đốt. Chị nói:

“Cái đó là một cái rất, rất là sai và không chấp nhận được. Lá cờ của Mỹ rất thiêng liêng, nó được bảo vệ bởi những người đã nằm xuống, đã cống hiến cái sinh mạng cũng như là máu của họ đã đổ ra để bảo vệ cái lá cờ thiêng liêng của tổ quốc Hoa Kỳ. Vậy đem đốt đi như vậy thì đâu có phải là nói lên tiếng nói của người dân Mỹ nữa.”

Trong khi đó, chị Lanney “bật mí” rằng chị đã bỏ phiếu cho ông Gary Johnson nhưng nếu ông Trump thắng thì đó cũng là điều đáng mừng vì Đảng Dân chủ đã nắm quyền lực 8 năm rồi và người dân cần một sự thay đổi.

Hơn nữa, với việc Đảng Cộng hòa “toàn thắng” trong mùa bầu cử năm nay khi đồng thời nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, theo chị Lanney, cũng là một tín hiệu đáng mừng đối với người Việt vì những dân biểu hay thượng nghị sĩ đưa ra dự luật về nhân quyền cho Việt Nam, yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, là những người ở Đảng Cộng hòa.

VOA Express

XS
SM
MD
LG