Đường dẫn truy cập

Nhà khoa học gốc Việt dùng ngòi bút 'chiến đấu' với doping


Chị Hatton đọc một đoạn trong cuốn sách The Night Olympic Team tại buổi tiệc mừng cuốn sách được xuất bản, LA84 Foundation, thành phố Los Angeles. (Ảnh chụp bởi: SanjaStarcevic)
Chị Hatton đọc một đoạn trong cuốn sách The Night Olympic Team tại buổi tiệc mừng cuốn sách được xuất bản, LA84 Foundation, thành phố Los Angeles. (Ảnh chụp bởi: SanjaStarcevic)
please wait

No media source currently available

0:00 0:12:12 0:00
Tải xuống

Cha mẹ là người Việt Nam, nhưng chị Caroline Hatton được sinh ra và lớn lên tại Normandy, Pháp. Cả cha lẫn mẹ đều là dược sĩ, và dòng máu yêu khoa học đã ngấm vào chị ngay từ nhỏ. Dành 10 năm học tập, trở thành tiến sĩ hóa học, và dành khoảng 29 năm làm việc trong lĩnh vực chống doping, chị Caroline Hatton luôn cảm thấy thôi thúc cần phải truyền lại những điều mà chị cảm thấy tuyệt vời nhất khi làm khoa học cho trẻ em, để chúng có thể dựa vào đó mà làm những điều tốt đẹp cho chính cuộc sống của chúng. Vì vậy, ngoài những công trình nghiên cứu khoa học mà chị viết cho người lớn, chị còn viết thêm sách cho thiếu nhi. Một trong những cuốn sách của chị viết cho thiếu nhi có tên Vero và Philippe, kể một câu chuyện về một đứa bé Việt Nam nhưng lớn lên tại Pháp, đã trở thành một trong những cuốn sách cho trẻ em bán chạy nhất của Los Angeles Times. Sau đây xin mời quý vị cùng lắng nghe cuộc trò chuyện mà chị Caroline Hatton dành cho VOA ban Việt ngữ.

VOA: Chị bắt đầu quan tâm, hứng thú về khoa học từ khi nào?

Chị Caroline Hatton: Khoa học trở thành một phần trong cuộc sống của tôi kể từ giây phút tôi chào đời, bởi vì tôi là con gái của hai dược sĩ. Tôi sinh ra trong một gia đình mà ai cũng quan tâm tới việc giúp đỡ người khác về mặt chăm sóc sức khỏe. Khi tôi đi học tiểu học tại một ngôi trường ở Paris, trên đường đi học hàng ngày, tôi luôn đi qua một tòa nhà có một phiến đá màu đen khắc chữ: “Tại đây, Marie Curie đã khám phá ra chất radium (rađi).” Điều này khiến tôi luôn nghĩ rằng, khoa học là một phần của cuộc sống, và phụ nữ khi trưởng thành sẽ trở thành nhà khoa học. Vào lúc đó tôi cũng biết rất nhiều phụ nữ là dược sĩ, nha sĩ, bác sĩ hay thậm chí là những nhà nghiên cứu vật lý. Còn ở nhà, khoa học luôn là đề tài mà gia đình tôi hay thảo luận. Tôi thường cùng gia đình xem những cuốn phim tài liệu về khoa học. Và nhà tôi cũng đăng ký đặt mua một tạp chí của Pháp chuyên viết về những ngành khoa học phổ biến. Rất tự nhiên, tôi cảm thấy hứng thú với khoa học và cảm thấy nó là một điều tuyệt vời nhất, khiến tôi cảm thấy phấn khích nhất trong cuộc sống.

VOA:Vào thời điểm khi chị còn là một sinh viên theo học khoa học, theo chị, những thách thức mà phụ nữ khi đó phải đối mặt là gì?

Nhà khoc học kiêm nhà viết truyện thiếu nhi Caroline Hatton
Nhà khoc học kiêm nhà viết truyện thiếu nhi Caroline Hatton
Chị Caroline Hatton: Lúc trước, tôi học dược ở một ngôi trường ở Pháp, nơi mà thậm chí vào những năm 1970, đã có rất nhiều phụ nữ làm việc trong ngành khoa học. Theo tôi nhớ thì hình như số lượng phụ nữ còn cao hơn cả đàn ông theo học dược. Rồi sau đó, tôi tới UCLA tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ ngành hóa học. Lại một lần nữa, số lượng sinh viên nữ cũng rất nhiều. Bắt đầu từ năm 1984, khi thế vận hội Olympic diễn ra, tôi đã làm việc tại phòng thí nghiệm Olympic tại trường UCLA. Nhóm làm việc của tôi khi đó cũng có rất nhiều thành viên là phái nữ.

Rồi hiện giờ, nếu tôi nghĩ đến những phòng thí nghiệm trên khắp thế giới mà công việc liên quan tới thể thao, chống doping, chuyên về làm xét nghiệm cho các vận động viên thể thao, thì ngay lập tức, trong đầu tôi hiện lên bốn phòng thí nghiệm được trực tiếp điều hành bởi phụ nữ. Những phòng thí nghiệm này đều là những phòng thí nghiệm lớn và được thành lập lâu đời. Một phòng ở Montreal, một phòng ở Paris, phòng khác ở Sydney, và một phòng nữa ở Ba Lan, tất cả những phòng này đều được điều hành bởi phụ nữ. Và tôi chắc chắn còn rất nhiều nơi nữa mà hiện giờ tôi chưa thể nhớ ra hết.

Ngoài ra, còn có rất nhiều vai trò lãnh đạo khác được nắm giữ bởi phụ nữ. Tôi lấy ví dụ Chủ tịch của Cơ quan Chống Doping Quốc gia của Đức là một phụ nữ. Vì thế, tôi cảm thấy mình rất may mắn khi trong suốt cuộc đời của mình, khi đi học hay trong sự nghiệp, vây quanh tôi có rất nhiều phụ nữ có năng lực và thông minh. Hơn thế, khi tôi làm việc trong lĩnh vực này, tôi cảm thấy việc là một người phụ nữ thì có vẻ không có thử thách nào hết cả. Dĩ nhiên về chuyện cá nhân thì có thể có những thử thách trong việc cân bằng cuộc sống gia đình và những khía cạnh khác; nhưng theo những gì tôi thấy, những người giỏi trong công việc mà họ làm, cộng thêm tinh thần làm việc chăm chỉ, thì họ đều đạt được những giải thưởng nghiên cứu chứng nhận thành quả của họ trong lĩnh vực này.

VOA: Chị làm việc trong lĩnh vực này bao lâu rồi?

Chị Caroline Hatton: Tôi bắt đầu bước vào lĩnh vực nghiên cứu chống doping kể từ năm 1984, khi Thế vận hội Olympic diễn ra tại Los Angeles. Nhưng thực ra lĩnh vực nghiên cứu xét nghiệm doping đã bắt đầu trước đó vài thập kỉ rồi. Khi đó, việc xét nghiệm các vận động viên là để đảm bảo họ không sử dụng các loại chất cấm, bởi vì đó đều là các chất cải thiện khả năng thi đấu. Điều này là vi phạm luật thi đấu thể thao và có nghĩa họ đang gian lận, rất không công bằng cho các vận động viên khác. Thêm nữa, những loại thuốc này rất nguy hiểm cho sức khỏe và đi ngược lại với tinh thần thể thao chân chính. Có thể nói, tính tới thời điểm bây giờ, tôi đã làm việc trong lĩnh vực này 29 năm rồi.

VOA: Theo thông tin trên trang LinkedIn của chị, chị đã xuất bản hai bài nghiên cứu khoa học có tên là “Performance-enhancing drugs in sports: how chemists catch users” (Tạm dịch: Các chất cải thiện khả năng thi đấu trong thể thao: cách các nhà hóa học tìm ra kẻ sử dụng) và “We’re winning the fight against drugs in sports” (Chúng ta sẽ chiến thắng cuộc chiến chống lại các thuốc cấm trong thể thao). Chị có thể chia sẻ thêm một chút về hai bài nghiên cứu này được không?

Chị Caroline Hatton: Bài nghiên cứu đầu tiên mà em vừa đề cập tới đó là công trình mà tôi cộng tác với Giáo sư hóa học Werner giảng dạy tại bang New York. Bài nghiên cứu này được viết nhằm hướng tới những nhà làm giáo dục, giúp họ dùng đề tài về thể thao, doping, để các sinh viên quan tâm hơn tới hóa học phân tích. Bài nghiên cứu này đã được xuất bản trong Tạp chí Giáo dục Hóa học (Journal of Chemical Education).
Bài nghiên cứu thứ hai mà em nhắc tới cũng là một bài nghiên cứu. Thực ra đó là một bài viết ý kiến cá nhân được đăng trên Christian Science Monitor mà tôi được yêu cầu viết.

Bìa cuốn sách The Night Olympic Team của tác giả Caroline Hatton
Bìa cuốn sách The Night Olympic Team của tác giả Caroline Hatton
Ngoài hai bài này, tôi có viểt một cuốn sách về lĩnh vực khoa học mà tôi làm việc đó là The Night Olympic Team – Fighting to Keep Drugs Out of the Games. Cuốn sách đó là một cuộc phiêu lưu khoa học không giả tưởng. Cuốn sách này dành cho độc giả bắt đầu từ độ tuổi 10 cho tới tận 110 tuổi. Rất phù hợp cho các độc giả trẻ tuổi và người lớn cũng có thể đọc. Cuốn sách này viết về những nhà khoa học làm việc cho thế vận hội Olympics, bao gồm cả bản thân tôi, làm thí nghiệm để tìm ra những ai dùng thuốc cấm có mục đích cải thiện khả năng thi đấu. Tôi viết cuốn sách này bởi vì tôi là người đã có mặt cùng với những nhà khoa học khác từ khắp thế giới tại kì thế vận hội mùa đông Olympics 2002 ở thành phố Salt Lake. Tôi sẽ không bao giờ quên một đêm, trong một buổi thảo luận nhóm, rất nhiều ý tưởng thi nhau nảy ra trong đầu tôi. Tôi cảm thấy rất phấn khích đến mức nhảy dựng lên, chạy khắp phòng. Vào cái giây phút đó, tôi đã nghĩ trong đầu rằng, sẽ có ngày tôi kể câu chuyện này cho các độc giả trẻ.

VOA: Đây có phải là điều khiến chị cảm thấy hứng thú với việc viết truyện cho thiếu nhi và do đó, nó đã trở thành một phần trong sự nghiệp của chị?

Chị Caroline Hatton: Đúng vậy. Trong suốt cuộc đời của mình, tôi luôn yêu thích đọc và viết. Tôi luôn mơ tới một ngày tôi có thể viết truyện cho thiếu nhi bởi vì đây là một cơ hội tuyệt vời, đưa một điều gì đó đặc biệt làm cuộc sống của mỗi đứa trẻ trở nên đẹp hơn, đồng thời có thể khơi nguồn cảm hứng cho tâm hồn trẻ thơ, khiến chúng có động lực làm được một điều gì đó đặc biệt cho cuộc đời này. Khi tôi khoảng 40 tuổi, tôi tự hỏi bản thân rằng còn chờ tới khi nào nữa. Chính vì thế, tôi đã làm mới cuộc sống mình bằng việc sắp xếp lại thời gian, đủ cho công việc viết lách. Tôi đã tham gia một vài khóa học dạy viết cho thiếu nhi, và viết cho thiếu nhi khác viết cho người lớn rất nhiều.

VOA: Có một điều khiến em cảm thấy khá buồn cười và thú vị đó là trên trang LinkedIn của chị, chị giới thiệu mình viết sách cho độc giả trẻ trong độ tuổi từ 5 cho tới trên 100. Tại sao chị lại phân loại đối tượng độc giả như vậy?

Chị Caroline Hatton: Nói đơn giản, tôi viết sách cho thiếu nhi nhưng cũng phù hợp cho người lớn đọc. Rất nhiều những thứ tôi viết mà người lớn khi đọc sẽ cảm thấy vui. The Night Olympic Team là một ví dụ. Một cuốn tiểu thuyết khác mà tôi viết cho các thiếu nhi về một đứa bé gốc Việt lớn lên ở Paris cũng được nhiều người lớn thích và đón nhận.

Cuốn sách của chị Hatton là một trong những cuốn sách thiếu nhi bán chạy nhất của Los Angeles Times: Vero and Philippe
Cuốn sách của chị Hatton là một trong những cuốn sách thiếu nhi bán chạy nhất của Los Angeles Times: Vero and Philippe
VOA: Một trong những cuốn sách chị viết cho thiếu nhi mà chị vừa nhắc đến có lẽ là cuốn Vero and Philippe, nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của Los Angeles Times đúng không chị?

Chị Caroline Hatton: Đúng vậy.

VOA: Theo như phẩn giới thiệu trong cuốn sách này thì “cuốn sách này đưa ra một cái nhìn độc đáo về việc hòa nhập hai nền văn hóa vào với nhau – một là cuộc sống của giai cấp trung-thượng lưu ở Pháp nhiều năm trước đấy, và một là cuộc sống của một gia đình người Việt.” Như vậy, theo em hiểu, chị có lẽ phải có một vốn hiểu biết rất tốt về cả hai nền văn hóa. Tuy nhiên, chị nói là chị sinh ra ở Normandy, Pháp, vậy chị biết về nền văn hóa Việt Nam bằng cách nào?

Chị Caroline Hatton: Cha mẹ của tôi đều là người Việt. Những hoạt động gia đình một phần nào đó khiến tôi có thêm ý tưởng cho cuốn sách. Trong quá trình khi tôi lớn lên, cha mẹ tôi không phải lúc nào cũng giải thích cái này là văn hóa Việt Nam, hay cái kia là văn hóa Pháp. Nói chung không hề có những lời thuyết minh đi kèm, nhưng trong thời gian sống bên gia đình, tôi biết được những phong tục tập quán lối sống nào là của người Việt Nam. Có lẽ việc được cha mẹ người Việt nuôi dạy từ nhỏ mà tôi tự khắc nhận thức được những điều đó.

VOA: Ngoài công việc là một nhà khoa học, một người viết truyện, chị còn biên dịch sách về doping hay khoa học nói chung từ tiếng Pháp sang tiếng Anh và ngược lại. Trong số những công việc này, công việc nào theo chị là có tính thách thức lớn nhất?

Chị Caroline Hatton: Tôi nghĩ mỗi công việc đều có một tính chất thách thức khác nhau. Bề ngoài thì chúng có vẻ hoàn toàn khác nhau nhưng thực ra làm khoa học, viết lách, và biên dịch không hoàn toàn khác biệt hay tách rời, bởi vì chúng đều là công việc mà mình có thể giúp đỡ người khác, đặc biệt giúp đỡ mọi người có thể hiểu được mọi thứ xoay quanh họ trong thế giới này một cách tốt hơn.

Về công việc làm khoa học, có thể nói doping sẽ không thể bị loại bỏ trong một sớm một chiều. Một điều đáng buồn đó là có những người chọn cách gian lận để sống. Tôi thực sự hi vọng một ngày nào đó, họ sẽ không còn gian lận nữa, vì tôi nghĩ rằng họ đang lừa dối chính cuộc sống của họ. Trong lĩnh vực chống doping, hàng ngày luôn có những tiến bộ trong y học, nhưng dẫn theo đó lại là những chiêu mới để dùng doping, cho nên những người làm khoa học như chúng tôi cũng luôn phải tìm ra cách mới để phát hiện ra chúng. Đây là một thách thức rất lớn.

Về việc viết lách, có lẽ thử thách lớn nhất là làm sao sách hay những tác phẩm của mình được xuất bản. Đây là một việc khó bởi vì trước khi sách của mình được một ai đó yêu thích và quyết định xuất bản, thì cũng có thể nó đã nhận phải rất nhiều lời từ chối trước đó rồi. Do đó, mình cần phải kiên nhẫn và luôn không ngừng hi vọng.

Còn về việc dịch sách, tôi nghĩ nó khá là đơn giản và thực tế. Thử thách lớn nhất đó là làm sao phải luôn chạy kịp hạn chót khi có một dự án lớn nào đó. Nói đơn giản, mình luôn phải dịch sao cho hay. Thực ra đôi khi còn tùy thuộc vào thể loại mà mình đang dịch là gì, có những thể loại chỉ cần tính chính xác mà không cần quá hoa mỹ, cho nên mình sẽ chỉ cần tập trung dịch sao cho chuẩn và đúng mà thôi.

VOA: Tham gia vào nhiều công việc như vậy, chị cân bằng sự nghiệp với cuộc sống cá nhân như thế nào?

Chị Caroline Hatton: Tôi luôn cố gắng dành đủ thời gian để chăm lo cho sức khỏe bản thân, rồi phải đảm bảo mình luôn trong tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc, thanh thản; có như vậy mới có thể lo những công việc khác được.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG