Đường dẫn truy cập

Người được bà Suu Kyi đề cử tiến gần chức Tổng thống Myanmar


Tư liệu - Htin Kyaw, người được Liên đoàn Dân chủ Toàn quốc của Myanmar đề cử cho chức tổng thống, đến hạ viện ở Naypyitaw, ngày 1 tháng 2, 2016.
Tư liệu - Htin Kyaw, người được Liên đoàn Dân chủ Toàn quốc của Myanmar đề cử cho chức tổng thống, đến hạ viện ở Naypyitaw, ngày 1 tháng 2, 2016.

NAYPYITAW, MYANMAR—Tại Hạ viện quốc hội Myanmar hôm nay, một quan chức hồi hưu của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) đã đánh bại phó tổng thống đương nhiệm Sai Mauk Kham trong vòng bầu cử đầu tiến để tiến gần hơn đến chức vụ tổng thống.

Ông Htin Kyaw dẫn trước với 274 phiếu so với ông Sai Mau Kham được 29 phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ nhất.

Đây là bài tập dân chủ mới nhất vào lúc đảng của bà Aung San Suu Kyi chuẩn bị lên nắm chính quyền từ tay Tổng thống Thein Sein trong một buổi lễ vào ngày 30 tháng này chấm dứt mấy chục năm thống trị của quân đội.

Khôi nguyên giải Nobel hòa bình đã lãnh đạo các nhà lập pháp của bà bỏ phiếu hôm nay cho ứng viên được bà chọn ra, gần như chắc chắn sẽ lên làm tổng thống.

Ông Htin Kyaw gần như không được giới đưa tin chú ý đến trước tuần này. Cho đến giờ này, mọi người chỉ biết đến ông có lẽ trong tư cách là người đầu tiên được trường Đại học Yangon gửi ra nước ngoài vào năm 1971 để học môn khoa học điện toán.

Tuy nhiên, người đại diện của bà Aung San Suu Kyi để lên giữ chức tổng thống được biết đến rất nhiều trong nội bộ đảng NLD. Ông thuộc ủy ban quản trị đảng và kết hôn với nhà lập pháp Su Su Lwin, con gái của người sáng lập đảng NLD.

Bà Aung San Suu Kyi bước vào quốc hội ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 11 tháng 3, 2016. (Z. Aung/VOA News)
Bà Aung San Suu Kyi bước vào quốc hội ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 11 tháng 3, 2016. (Z. Aung/VOA News)

Nhưng hầu hết các nhà lập pháp và quan sát viên đang lấy làm thất vọng là bà không tìm ra được một cách nào để né tranh điều khoản hiến pháp cấm bất cứ ai có con cái mang quốc tịch nước ngoài lên làm tổng thống, như bà.

Sau khi xem cuộc bỏ phiếu tại quốc hội hôm thứ ba từ khán đài quan sát, tập sự viên tại Bộ Ngoại giao Khin Thidar Zin nói: "Tôi thực sự cảm thấy hơn tiếc cho bà. Nhưng tôi hy vọng ông Htin Kyaw sẽ là một vị tổng thống tử tế đối với người dân Myanmar."

Từng tuyên bố bà sẽ giữ quyền tối thượng, bà Aung San Suu Kyi và người được bà đích thân chọn làm tổng thống sẽ không có toàn quyền tự do điều hành Myanmar, bởi vì quân đội tự động chiếm một phần tư số ghế tại quốc hội và sẽ kiểm soát nhiều bộ quan trọng.

Ứng viên của quân đội dự tranh chức tổng thống, Tướng Myint Swe, là thủ hiến Yangon, sẽ gần như chắc chắn sẽ thất bại trong cuộc bầu chọn vào tuần tới tại quốc hội, nhưng chắc chắn sẽ giữ một trong hai chức vụ phó tổng thống.

Các nhà lập pháp của đảng NLD, đã thắng ồ ạt trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm ngoái, hy vọng đây là một tình hình có lợi cho tất cả các bên và sẽ xoa dịu các vị tướng lãnh đã từng nắm quyền từ hơn nửa thế kỷ nay.

Nhà lập pháp Zaw Thein của NLD nói với đài VOA: “Mặc dầu chúng ta không phải là một nước dân chủ, chúng ta đang tiến rất nhanh đến chỗ một nước mà nền dân chủ sẽ đâm hoa.”

Chỉ còn vài tuần nữa trước khi có sự thay đổi chính quyền, các nhà lập pháp của Liên minh Đoàn kết và Phát triển USDP, mà cho đến gần đây vẫn còn ở thế dẫn đầu, dường như đã chấp nhận một cách nhã nhặn vị thế thiểu số mới của họ.

Nhà lập pháp Ko Ko Naing của USDP nói với đài VOA sau cuộc biểu quyết ở Hạ viện hôm nay: "Đây là một sự lựa chọn của các công dân. Tôi phải chấp nhận kết quả bỏ phiếu của các đại biểu quốc hội được dân bầu ra làm đại diện. Dựa vào những gì tôi biết được về tiểu sự ông Htin Kyaw, tôi tin rằng ông ấy hội đủ điều kiện của một nhà lãnh đạo có thể điều hành tốt đất nước."

Một phiên họp chung của cả hai viện quốc hội sẽ diễn ra vào ngày thứ ba tới, trong đó có cả các thành viên được quân đội chỉ định đã họp riêng trong tuần này. Theo dự trù phiên họp sẽ chọn ra tổng thống, và những người về nhì và về ba sẽ lên làm phó tổng thống.

Ông Henry Van Thio của đảng NLD có phần chắc sẽ được nhiều phiếu hơn người được quân đội đề cửa vào chức đệ nhất phó tổng thống.

Bà Aung San Suu Kyi nói với các nhà lập pháp NLD hồi tối thứ hai rằng bà đã chọn một nhà lập pháp Cơ đốc giáo, người sắc tộc Chin, với mục đích “hòa giải dân tộc.”

Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, là một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo với hơn 55 triệu dân đã phải gánh chịu cảnh nội chiến gần như liên tục kể từ khi kết thúc chế độ thuộc địa Anh vào năm 1948.

Kể từ khi một chính phủ dân sự trên danh nghĩa được thiết lập vào năm 2011 đã có tiến bộ trong những thỏa thuận hòa bình được nhiều nhóm điều giải. Nhưng các vụ xung đột ở cường độ thấp vẫn tiếp tục giữa quân đội Myanmar và một số nhóm có vũ trang.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG