Đường dẫn truy cập

Người thiểu số Myanmar hy vọng kinh tế cải thiện với chính phủ mới


Phụ nữ cao tuổi từ bộ lạc Padaung bán mật ong ở vùng quê Myanmar.
Phụ nữ cao tuổi từ bộ lạc Padaung bán mật ong ở vùng quê Myanmar.

Chưa đầy một tháng nữa Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc sẽ lên nắm quyền ở Myanmar và họ làm như thế với sự ủng hộ mạnh mẽ của các sắc dân thiểu số. Theo tường thuật của thông tín viên Katie Arnold, nhiều người thiểu số ở quốc gia Đông Nam Á này mong đợi tân chính phủ giúp họ cải thiện cuộc sống.

Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi đã giành được gần như tất cả các ghế đại biểu quốc hội ở tiểu bang Kayah, quê hương của người sắc tộc Karenni, và dân chúng ở đây đang mong đợi tân chính phủ giúp họ cải thiện cuộc sống.

Bà Mu Taw, một phụ nữ mua bán ở chợ Demoso, cho biết như sau.

"Những thứ mà chúng tôi muốn có là một nền giáo dục tốt hơn, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn và một nền hoà bình thật sự trên cả nước."

Các lực lượng nổi dậy của người Karenni đã chiến đấu chống lại chính quyền quân nhân Myanmar trong gần 60 năm. Nhiều thập niên xung đột đã làm cho dân chúng bị thất tán, cơ sở hạ tầng bị hư hại và kinh tế yếu kém.

Tiểu bang Kayah nằm trong số những tiểu bang nghèo nhất nước, tuy một số dự án đầu tư đã được thực hiện hồi gần đây. Một số đường sá đã được xây dựng, trường học mở cửa lại và thủ phủ của tiểu bang đã có được một trường đại học.

Nhưng số sinh viên của trường này chưa đầy 2.000 người, và nhiều người nghĩ rằng các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ chưa mang lại lợi ích cho đa số những người Karenni sinh sống ở thôn quê.

Ông Shwe Hlat, một viên thôn trưởng trong vùng này, cho biết như sau.

"Chúng tôi hy vọng chính phủ mới sẽ ra sức giúp đỡ các cộng đồng nông thôn và khuyến khích những dự án phát triển trong mọi lãnh vực. Dưới sự cai trị của chính phủ hiện nay chúng tôi chỉ có thể làm ruộng mà thôi. Chúng tôi hy vọng sẽ có những doanh nghiệp mới để mang lại những sự cải thiện cho vùng của chúng tôi."

Tuy nhiên, nhiều tài nguyên thiên nhiên của tiểu bang này đã bị phá huỷ bởi các công ty có liên hệ chặt chẽ với chính quyền quân nhân, và vì không có những cơ hội khác, nhiều nông dân ở đây bị lôi kéo vào việc trồng cây thẩu bất hợp pháp.

Đối với Đảng Tiến bộ Dân tộc Karenni (gọi tắt là KNPP), một hệ thống liên bang là cách thức duy nhất để mang lại sự phát triển cho tiểu bang này.
Tổng thư ký Đảng KNPP, ông Ko Elia, cho biết như sau.

"Nếu chúng tôi có chính phủ riêng thì việc thảo luận và giải quyết những vấn đề của cộng đồng chúng tôi sẽ được dễ dàng hơn, và khu vực này sẽ phát triển nhanh hơn. Hiện nay cộng đồng và chính phủ tách biệt với nhau và chúng tôi không thể thảo luận những vấn đề của mình với những người nắm giữ quyền hành ở cấp cao nhất."

Các đảng chính trị của người sắc tộc Karenni và những sắc tộc khác đã không giành được ghế đại biểu nào trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái. Và các sắc dân thiểu số ở Myanmar đã đặt sự tin tưởng vào đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc và họ hy vọng sẽ có được những lợi ích kinh tế xã hội khi đảng này lên nắm quyền vào tháng tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG