Đường dẫn truy cập

Bà Aung San Suu Kyi tạ lỗi vì không làm tổng thống


Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi dẫn đầu các nhà lập pháp mới được bầu từ đảng Liên minh dân chủ Toàn quốc NLD của bà vào quốc hội nằm tại thủ đô Naypyitaw, ngày 1/2/2016.
Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi dẫn đầu các nhà lập pháp mới được bầu từ đảng Liên minh dân chủ Toàn quốc NLD của bà vào quốc hội nằm tại thủ đô Naypyitaw, ngày 1/2/2016.

Lãnh tụ dân chủ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hôm nay tạ lỗi với những người ủng hộ vì bà không trở thành vị tổng thống kế tiếp của nước này. Theo tường thuật của thông tín viên Steve Herman của đài VOA tại Naypyitaw, người có phần chắc sẽ lên làm tổng thống là một trong những nhân vật thân cận nhất của người phụ nữ đoạt giải Nobel Hoà bình này.

Trong lá thư đăng trên mạng xã hội ngày hôm nay, không lâu trước khi quốc hội bắt đầu tiến trình bầu chọn tân tổng thống, bà Suu Kyi đã xin lỗi vì điều mà bà gọi là “không thể hiện đầy đủ nguyện vọng của người dân.” Bà nói thêm rằng bà sẽ kiên trì và bà trông mong dân chúng tiếp tục ủng hộ bà để “đạt được mục tiêu đó một cách hoà bình”.

Hành động này được diễn giải là một lời kêu gọi kiên nhẫn và là một sự hứa hẹn là bà rốt cuộc sẽ giữ chức tổng thống. Nhưng ngày hôm nay, lá thư này làm cho nhiều người có cảm giác vui buồn lẫn lộn -- trong lúc các nhà lập pháp, với những chiếc áo khoác màu vàng của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD), tiến vào phòng họp của Hạ viện và Thượng viện.

Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua. Nhưng một điều khoản trong hiến pháp do quân đội soạn thảo không cho bà Suu Kyi giữ chức tổng thống vì những người con của bà có quốc tịch nước ngoài.

Dân biểu Nay Myo Htet là một ca sĩ nổi tiếng trước khi bước vào chính trường. Ngay sau khi đọc xong bức thư của bà Suu Kyi mà phóng viên VOA đưa cho ông xem tại trụ sở Hạ viện, ông Htet nói “Tôi rất buồn. Bà ấy là người thích hợp để làm tổng thống. Nhưng tôi cũng hy vọng một ngày nào đó bà sẽ lên giữ chức tổng thống”.

Sau khi lá thư của bà Suu Kyi được phổ biến, Hạ viện do đảng NLD kiểm soát, đã chọn ông Htin Kyaw của đảng họ làm ứng viên phó tổng thống. Ông Htin Kyaw là người thân tín của bà Suu Kyi. Thượng viện, cũng do đảng NLD kiểm soát, đã chọn ông Henry Van Hti Yu từ tiểu bang Chin làm ứng viên phó tổng thống.

Bà Zin Mar Aung, một nhà lập pháp thuộc đảng NLD cho đài VOA biết rằng ông Htin Kyaw từng phục vụ tại hai bộ trong chính phủ và là người có phần chắc sẽ được bầu làm tổng thống, tuy không phải là một người nổi tiếng. Bà nói “Ông ấy có rất nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành guồng máy thư lại”.

Hạ viện Myanmar nhóm họp ngày 10/3/2016 (S. Herman/VOA)
Hạ viện Myanmar nhóm họp ngày 10/3/2016 (S. Herman/VOA)

Quân đội được dành riêng 25% số ghế tại quốc hội và các nhà lập pháp của họ hôm nay đã họp bên ngoài trụ sở quốc hội để chọn ứng viên phó tổng thống.

Tổng cộng 5 ứng viên phó tổng thống sẽ được chọn trước một khi quá trình sàng lọc được thực hiện để chọn ra 3 ứng viên vào vòng chung kết.

Toàn thể quốc hội dự kiến sẽ biểu quyết vào ngày 18 tháng 3 để quyết định người nào trong 3 ứng viên đó là người giữ chức tổng thống. Hai ứng viên còn lại sẽ giữ chức phó tổng thống.

Các nguồn tin trong đảng NLD cho đài VOA biết rằng các nhà lập pháp của đảng đã được chỉ thị bỏ phiếu cho ông Htin Kyaw làm tổng thống.

Cuộc tổng tuyển cử năm ngoái là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự được thành lập năm 2011, sau nhiều thập niên Myanmar nằm dưới sự cai trị độc tài của quân đội. Sau cuộc bầu cử đó, bà Suu Kyi cho biết bà sẽ điều hành chính phủ và nói rằng bà sẽ là người “bên trên tổng thống” .

Các nguồn tin trong đảng NLD cho biết các nhà lập pháp của đảng đã được chỉ thị bỏ phiếu cho ông Htin Kyaw làm tổng thống.
Các nguồn tin trong đảng NLD cho biết các nhà lập pháp của đảng đã được chỉ thị bỏ phiếu cho ông Htin Kyaw làm tổng thống.

Điều đó có phần chắc sẽ làm cho ông Htin Kyaw bị dán nhãn hiệu là tổng thống bù nhìn, một việc mà một số nhà lập pháp của NLD xem là không thể tránh được vì những sự hạn chế trong hiến pháp hiện hành làm cho bà Suu Kyi không thể giữ chức tổng thống.

Các cuộc họp kín trong những tuần vừa qua giữa bà Suu Kyi và quân đội đã làm bùng ra những lời đồn đoán là đôi bên có thể đạt được một thoả hiệp để ngưng áp dụng điều khoản trong hiến pháp không cho bà làm tổng thống. Bây giờ thì rõ ràng là sự đồn đoán đó không đúng. Nhưng lại có đồn đoán là bà Suu Kyi có thể yêu cầu để cho bà giữ chức bộ trưởng ngoại giao.

Tân chính phủ sẽ nhậm chức vào ngày 1 tháng 4.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG