Đường dẫn truy cập

Người biểu tình Tây Tạng chết trong khi bị cảnh sát TQ câu lưu


Một trong những lý do người Tây Tạng biểu tình là yêu cầu tự do tôn giáo và sự trở lại của nhà lãnh đạo tinh thần là Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đã sống lưu vong kể từ năm 1959
Một trong những lý do người Tây Tạng biểu tình là yêu cầu tự do tôn giáo và sự trở lại của nhà lãnh đạo tinh thần là Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đã sống lưu vong kể từ năm 1959

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đang lên tiếng về cái chết của nhiều người Tây Tạng trong khi bị cảnh sát Trung Quốc câu lưu tuần này. Những người Tây Tạng này đã bị bắt trong các cuộc biểu tình ở miền Tây Nam Trung Quốc, khu vực đã chứng kiến những vụ biểu tình và tự thiêu trong mấy năm qua của những người Tây Tạng chống lại các chính sách của Bắc Kinh.

Năm người Tây Tạng đã chết trong tuần này sau một cuộc biểu tình ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Các tổ chức nhân quyền liên lạc với các nhân chứng ở địa phương nói rằng cảnh sát đã nổ súng vào những người biểu tình, và 5 người đã chết sau khi không được điều trị y tế trong khi bị cảnh sát câu lưu.

Ông Alistair Currie thuộc Tây Tạng Tự Do, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở London, cho biết hàng trăm người đang biểu tình vào lúc cảnh sát bắt đầu nổ súng:

“Cảnh sát nổ súng vào họ. Lúc đó có 10 người bị thương nặng. Kể từ đó, chúng tôi biết được là 5 người đã chết trong khi bị câu lưu. Một trong những người đó đã tự tử trong cuộc biểu tình để phản đối việc không được điều điều trị y tế và theo chúng tôi biết thì không có người bị thương nào được điều trị y tế thích đáng”.

Ông Tsewang Gonpo 60 tuổi, ông Yeshe 42 tuổi và anh Jinpa Tharchin, 18 tuổi đã chết vì những vết thương do bị trúng đạn. Theo nhóm nhân quyền có trụ sở tại Washington có tên là Chiến dịch quốc tế cho Tây Tạng, người đã tự tử tên là Lo Palsang. Một người khác không rõ tên cũng đã chết vì không được điều trị những vết thương đã bị trong cuộc biểu tình.

Những người này đã cùng với khoảng 100 người Tây Tạng biểu tình phản đối vụ bắt giữ một trưởng thôn người Tây Tạng ở quận Ganzi (Garze), người đã bị bắt vào đầu tháng này sau khi ông than phiền về việc các giới chức chính quyền sách nhiễu phụ nữ địa phương.

Ông Currie cho biết các cuộc biểu tình ồ ạt về một loạt các vấn đề đã lan ra khắp các khu vực Tây Tạng:

“Chúng tôi thấy có sự gia tăng các cuộc biểu tình ồ ạt, nhiều người biểu tình phản đối các vấn đề khác nhau, từ việc hủy hoại môi trường cho đến những hành vi của các lực lượng an ninh”.

Các cuộc biểu tình xảy ra trong khu vực giáp với khu tự trị Tây Tạng, nơi thường diễn ra tình trạng bất ổn và các cuộc biểu tình.

“Dùng đạn thật để bắn người tương đối là hiếm hoi nhưng trong năm ngoái, chúng tôi biết có hai trường hợp, chuyện này đã xảy ra. Những người Tây Tạng có thể lâm vào nguy cơ mất mạng vì bất kỳ hình thức phản kháng nào thuộc loại này”.

Trong những năm gần đây, hơn 100 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối chính sách của chính phủ Trung Quốc. Một số người biểu tình lên tiếng chống lại sự phân biệt đối xử và thành kiến của người gốc Hán, một số khác cho biết họ biểu tình đòi tự do tôn giáo và đòi sự trở lại của lãnh tụ tinh thần là Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đã sống lưu vong kể từ năm 1959.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG