Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ tham dự Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biển tại một cuộc họp báo tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 1/7/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biển tại một cuộc họp báo tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 1/7/2013.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đang có mặt ở Brunei để dự một diễn đàn khu vực của Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN. Tổ chức khu vực này hy vọng có thể thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý để xử lý một loạt cuộc tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei. Từ Brunei, Thông tín viên Scott Stearns của đài VOA tường trình rằng hải quân Hoa Kỳ đang ngày càng tăng cường hoạt động tại Biển Đông, và trong các chiến dịch hỗn hợp với Philippines.

Sự hợp tác hải quân giữa Hoa Kỳ và Philippine bao gồm việc sử dụng phi cơ do thám không người lái để giám sát các vùng biển đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc. Trung Uùy hải quân Philippine Rommel Rodriguez giải thích:

“Chiếc máy bay không người lái sẽ là một công cụ vô cùng quan trọng trong các hoạt động của chúng tôi nhằm bảo vệ an ninh cho toàn lãnh hải của Philippines.”

Trung Quốc đặc biệt quan tâm về các kế hoạch của Philippine nhằm nâng cấp địa điểm từng là căn cứ quân sự hải quân của Hoa Kỳ tại Vịnh Subic, chỉ cách một bãi cạn đang tranh chấp -mà Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012, có 240 km.

Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng một cuộc “phản công” nhắm vào Philippine sẽ khó có thể tránh được nếu như Manila tiếp tục điều mà Bắc Kinh mô tả là những thủ đoạn “bất lương”. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh phát biểu:

“Trung Quốc kêu gọi Philippines và các nước trong khu vực hãy có thái độ tương nhượng, và cùng nhau cố gắng để duy trì sự tin tưởng giữa các nước, đồng thời tăng các nỗ lực tích cực hướng tới hòa bình và an ninh khu vực, và đóng một vai trò xây dựng.”

Washington nói Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong vấn đề Biển Đông, và muốn giúp giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hòa bình, trong khuôn khổ chính sách trục xoáy Á Châu. Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Thomas Carney phát biểu:

“Điều đó chắc chắn là một phần nằm trong chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ, củng cố các quan hệ không những về quân sự, mà còn về kinh tế và chính trị với Trung Quốc.”

Một lực lượng hải quân Hoa Kỳ năng động hơn với Hiệp định Lực lượng Thăm Viếng tại Philippine là một biện pháp quan trọng để kiềm chế Trung Quốc, theo lời Giáo sư Philippine Clarita Carlos của Đại học Philippines.

“Xét tất cả các hành động khiêu khích của Trung Quốc nhằm tìm cách thâu tóm tất cả các hòn đảo, bãi đá, bãi cạn vv...trong Biển Nam Trung Hoa, tôi tin rằng đó là một cách để gửi một tín hiệu tới Bắc Kinh, rằng chúng tôi cũng có khả năng nếu chúng tôi muốn, và lẽ dĩ nhiên được Hoa Kỳ hậu thuẫn.”

Nhưng một nước Philippines hiếu chiến hơn có thể làm cho Trung Quốc càng ít muốn tương nhượng hơn, theo lời Giaó sư Đại học American Pek Koon Heng.

“Điều đó sẽ càng gây nhiều khó khăn hơn. Điều đó chỉ có tác dụng làm Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề làm việc với ASEAN.”

Bà Heng dự kiến rằng hội nghị cấp Bộ trưởng năm nay của ASEAN tại Brunei sẽ khác xa so với hội nghị năm ngoái ở Campuchia, lúc mà Trung Quốc đã tiếp tay để phá hoại nỗ lực nhằm đi đến một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Ðông.

“Ngoại trưởng Kerry có một khối ASEAN đoàn kết hơn, sau khi Trung Quốc chia rẽ ASEAN trong hội nghị các ngoại trưởng lần trước.”

Các Bộ trưởng Ngoại giao tham gia hội nghị năm nay theo dự kiến cũng sẽ thảo luận về chiến tranh tại Syria, và chương trình theo dõi của Hoa Kỳ bị một phân tích gia tình báo, ông Edward Snowden, tiết lộ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG