Đường dẫn truy cập

Somalia: kinh tế học của nghề cướp biển


Nghề cướp biển, chủ yếu ở vùng biển gần Somalia, gây ra cho thế giới là vào khoảng US$12 tỷ mỗi năm
Nghề cướp biển, chủ yếu ở vùng biển gần Somalia, gây ra cho thế giới là vào khoảng US$12 tỷ mỗi năm

Theo Vnexpress đưa tin cuối tuần trước, hải tặc Somalia được cho là đã bắt giữ một tàu chở hàng của Việt Nam cùng 24 thủy thủ hôm 17 tháng 1 vừa qua. Con tàu của Việt Nam mang tên Hoàng Sơn Sun phát tín hiệu kêu cứu và mất liên lạc sau đó. Chủ tàu xác nhận con tàu đã bị hải tặc tấn công. Trên tàu có 24 thủy thủ đều là người Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu chở hàng của Việt Nam bị hải tặc Somalia tấn công. Trước đây, ngày 15 tháng 3, 2009, tàu chở hàng Việt Nam M/V Diamond Falcon cũng bị hải tặc tấn công ở vịnh Aden (vùng biển giữa nam Yemen và bắc Somalia) nhưng thoát nạn nhờ tàu chiến TCG Giresun (F-491) của Thổ Nhĩ Kỳ và tàu chiến HDMS Absalon của Đan Mạch can thiệp kịp thời.

Nghề cướp biển ở Somalia

Somalia trước đây vốn không nổi tiếng về nghề cướp biển. Nghề này chỉ dần dần trở nên thịnh hành kể từ khi chính quyền Siad Barre bị lật đổ vào tháng 1, 1991. Lý do là các cuộc nội chiến triền miên sau đó đã khiến kinh tế Somalia lâm vào tình trạng khốn cùng với thu nhập bình quân đầu người hiện nay chưa tới US$600. Thêm vào đó, do không còn lực lượng tuần dương, vùng biển giàu có của Somalia dần dần trở thành bãi đánh bắt trộm của các tàu cá nước ngoài và bãi đổ chất thải độc hại của các tập đoàn công nghiệp nước ngoài.

Theo một báo cáo do Bộ Phát triển Quốc Tế (DFID) của Anh công bố năm 2005, thì chỉ trong vòng 2 năm 2003 và 2004, Somalia đã mất khoảng US$100 triệu doanh thu do việc các tàu cá nước ngoài xâm nhập vào hải phận của nước này để đánh bắt trộm cá thu và tôm.

Sinh kế bị cướp mất kèm theo nỗi căm phẫn vì bị nước ngoài bóc lột đã đẩy nhiều người Somalia vào chỗ trở thành cướp biển. Nghề này đã thực sự đem lại thu nhập và sinh kế cho nhiều người. Theo thông tin từ nhiều nguồn, đối với đại bộ phận dân Somalia (70%), cướp biển được coi là một nghề đáng nể trọng. Họ “ủng hộ mạnh mẽ nghề cướp biển như là một cách để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong vùng lãnh hải của họ”, và những kẻ cướp biển này tin rằng họ đang bảo vệ vùng đặc quyền đánh bắt của mình và đem lại công lý cũng như đền bù cho các nguồn tài nguyên hải dương đã bị nước ngoài lấy mất.

Trên thực tế thì giữa một cộng đồng dân cư nghèo đói, theo cách nói của Abhi Farah Juha, một người Somalia sống gần biển, trên BBC thì “những kẻ cướp biển có tiền, họ có quyền lực, họ ngày càng mạnh lên, […] Họ cưới những cô gái đẹp nhất, họ xây những ngôi nhà lớn nhất, mua xe hơi và súng ống hiện đại.” Và điều này là một hấp lực ghê gớm đối với các thanh niên thất nghiệp của Somalia.

Theo bài báo trên của Vnexpress, hiện có 30 tàu và hơn 700 thủy thủ bị bắt giữ làm con tin ở Somalia. Thiệt hại mà nghề cướp biển, chủ yếu ở vùng biển gần Somalia, gây ra cho thế giới là vào khoảng US$12 tỷ mỗi năm, theo One Earth Future Foundation.

Tại sao không kiểm soát được

Có một thực tế từ vài năm gần đây, các lực lượng hải quân của nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada và cả Mỹ đã thường xuyên tham gia bảo đảm an ninh trong các vùng biển này nhưng có vẻ như tình hình cướp biển không giảm đi mà còn có diễn biến ngày càng phức tạp. Trong một cuộc trao đổi với đại tá Jeff Breslau, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, hồi cuối năm ngoái, tôi được ông cho biết lý do từ phía một quan chức hải quân. Theo Jeff, không thể phân biệt được một tàu đánh cá thông thường với một tàu cướp biển. Các lực lượng hải quân chỉ được biết khi được các tàu nạn nhân phát tín hiệu cấp cứu, và việc này thường chỉ xảy ra khi cướp biển đã tấn công. Khi đó, vấn đề khó khăn tiếp theo của các tàu hải quân là không thể nổ súng vì thường cướp biển sẽ nhanh chóng bắt giữ được con tin.

Trong một số trường hợp, các tàu hải quân nước ngoài cũng phát hiện được các đối tượng tình nghi là cướp biển và truy đuổi chúng. Tuy nhiên, đa số họ không được quyền đi vào vùng lãnh hải của Somalia, vì thế họ chỉ có thể đuổi bắt cướp biển trong hải phận quốc tế. Thêm nữa, trong một số trường hợp thí dụ như tàu hải quân Hà Lan De Zeven Provinciën hồi tháng 4 năm 2009 đã bắt được 7 tên cướp biển Somalia trong vụ cướp tàu chở dầu Handytankers Magic nhưng sau đó đã phải thả nhóm cướp này vì không có thẩm quyền pháp lý để bắt giữ.

Tệ hại hơn, đã có một vụ trong đó cướp biển bị hải quân của Liên minh châu Âu bắt giữ ở vùng Vịnh Aden hồi tháng 1 năm 2009, bị đưa về châu Âu xét xử ở tòa án Hà Lan vào tháng 5, 2010 và bị kết án tù 5 năm. Sau khi ra tù ít có khả năng là nhóm này bị trục xuất trở lại Somalia vì nước này được coi là nơi quá nguy hiểm để trục xuất. Vì thế có lẽ họ sẽ được ở lại châu Âu (trên thực tế một người đã nộp đơn xin tỵ nạn lại ở Hà Lan). Việc giơ cao đánh khẽ khiến nhiều người lo ngại rằng nó không làm cướp biển e ngại, mà thậm chí còn khuyến khích cướp biển hành động ngang tàng hơn.

Bản thân chính quyền đương nhiệm của Somalia thì không có năng lực để kiểm soát hoạt động cướp biển, và cũng không có nhiều động cơ để thực hiện việc này.

Chi phí thuộc về ai?

Như đã nói ở trên, tổn hại về kinh tế do cướp biển gây ra cho thế giới là nhiều tỷ USD mỗi năm. Chi phí này do ai gánh? Thông thường sau khi cưỡng chiếm được một con tàu, cướp biển sẽ đòi tiền chuộc. Sau khi nhận được tiền chuộc chúng sẽ trả lại tàu và thủy thủ đoàn. Các công ty vận tải quốc tế thường đã đóng bảo hiểm và được bảo hiểm trả cho các tổn thất dạng này. Vì vậy, họ cũng không muốn các lực lượng hải quân mạnh tay với cướp biển vì hậu quả của nó có thể dẫn tới những kết cục tai hại hơn.

Đương nhiên cướp biển càng lộng hành thì chi phí bảo hiểm càng cao lên. Tuy vậy, các hãng tàu cũng có thể chuyển một phần chi phí này đến người tiêu dùng thông qua việc tăng cước vận chuyển. Nói tóm lại là khoản phí tổn mà cướp biển Somalia được chia đều cho người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG