Đường dẫn truy cập

Hòn đảo của các vị thần


Đền thờ có mặt ở tất cả các gia đình khá giả, trong tất cả làng, bản, và ở mọi góc phố. Hindu là tôn giáo chính của đảo Bali
Đền thờ có mặt ở tất cả các gia đình khá giả, trong tất cả làng, bản, và ở mọi góc phố. Hindu là tôn giáo chính của đảo Bali

Bali, Indonesia thường được nhắc đến với cái tên hòn đảo của một nghìn ngôi đền (island of a thousand temples) hay là hòn đảo của các vị thần (the islands of the gods). Lý do là vì trên hòn đảo này ở đâu có người ở là ở đó có đền thờ. Đền thờ có mặt ở tất cả các gia đình khá giả, trong tất cả làng, bản, và ở mọi góc phố. Hindu là tôn giáo chính của đảo Bali, mặc dù sự thuần nhất về tôn giáo này đang dần bị biến mất với việc người hồi giáo nhập cư vào Bali ngày một nhiều.

Trước khi du lịch trở thành ngành công nghiệp lớn trên đảo, Bali chỉ là một xã hội nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ. Ngay cả bây giờ nếu tách rời du lịch (vốn chiếm trên 80% GDP của hòn đảo) thì Bali vẫn chỉ là một xã hội nông nghiệp như hồi 50 năm trước. Thế nhưng vì có du lịch mà Bali trở thành một trong những nơi có mức sống trung bình cao nhất ở Indonesia. Thu nhập bình quân đầu người trên đảo này vào khoảng US$1800 trên một đầu người vào năm 2009, đó là kết quả khiêm tốn do hậu quả của các vụ đánh bom tự sát vào năm 2002 và 2005 do các phần tử hồi giáo cực đoan gây ra khiến ngành du lịch của xứ sở này bị tê liệt trong nhiều năm và mãi gần đây mới bắt đầu hồi phục trở lại.

Sự thành công của ngành du lịch ở Bali gợi ra nhiều điều. Hòn đảo này được trời phú cho một thiên nhiên đa dạng, một hệ động, thực vật phong phú, và các bãi biển lãng mạn. Mặc dầu vậy, có lẽ bản sắc văn hóa độc đáo của người Bali với các kiến trúc cổ tuyệt đẹp được gìn giữ hầu như còn nguyên vẹn là lý do quan trọng nhất tạo ra sức thu hút đối với du khách ngoại quốc. Thêm vào đó, là những tín đồ sung đạo, người Bali đã biết giữ gìn các di sản thiên nhiên mà các vị thần của họ đã trao tặng một cách khá hoàn hảo khiến cho việc khai thác du lịch trở nên bền vững.

Thế nhưng ngay cả trên mảnh đất của các vị thần thì mọi thứ cũng không phải hoàn hảo. Nguồn lợi từ du lịch chỉ đến được với một số ít những người giàu có bất động sản và giới kinh doanh dịch vụ du lịch. Nông nghiệp và thủ công nghiệp vẫn là ngành cung cấp công ăn việc làm chính cho cư dân hòn đảo này. Mâu thuẫn sắc tộc giữa những người Bali gốc theo đạo Hindu – mà hiện giờ là những người nghèo hơn – với những người mới di cư tới có đầu óc kinh doanh hơn và theo các tôn giáo khác luôn âm ỉ. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người Hindu địa phương khẳng định nếu vấn đề pha loãng tôn giáo vẫn tiếp diễn theo chiều hướng xấu đi thì họ sẽ sẵn sàng cho một cuộc thánh chiến.

Những người Bali bản địa, vốn là những người sùng đạo, cũng không cảm tình với luồng văn hóa mà khách du lịch mang lại với hệ thống các nhà hàng, vũ trường, mại dâm, ma túy, rượu mạnh, các bữa tiệc thâu đêm suốt sáng. Đàn ông Bali cũng không ưa việc các chàng trai điển trai ngoại quốc đến du lịch và tán tỉnh các cô gái bản địa. Và điều này, theo nhiều người địa phương sống trên đảo, là lý do khiến người Bali nói chung không ưa khách du lịch – mặc dù họ biết họ cần đến khách du lịch để có công ăn việc làm và thu nhập. Theo một số người Bali mà chúng tôi tiếp xúc, việc này cũng giải thích vì sao tâm lý chung của người Bali đối với du khách là “chặt chém” nếu có thể.

Phần lớn các hàng hóa và dịch vụ trên đảo Bali có 2 loại giá, một loại bán cho dân địa phương và một loại khác (hỗn loạn hơn nhiều và cao hơn nhiều) là dành cho khách du lịch. Ai đã đến Bali dù chỉ một lần sẽ không bao giờ quên những kinh nghiệm khó chịu về việc phải mặc cả gần như tất cả mọi thứ - trừ trong các nhà hàng. Người Bali luôn nói thách một cách kinh hoàng, với việc giá ban đầu gấp 3 hoặc 4 lần, thậm chí 10 lần, giá bán cuối cùng là chuyện bình thường.

Ngoài chuyện mặc cả, còn có những mánh khóe khác như khi trả tiền thừa lại cho khách thì thường không đủ, chất lượng dịch vụ thì thường kém hơn nhiều so với quảng cáo ban đầu, và việc dọa nạt, ép khách phải sử dụng dịch vụ của dân địa phương. Thí dụ như hầu hết các khách du lịch đến đền thờ Besakih – là đền thờ lớn nhất của Bali – đều bị dân địa phương đuổi theo gây khó dễ và làm phiền nếu không chịu thuê một hướng dẫn viên địa phương với giá cắt cổ.

Đó là chưa kể các vụ đánh bom tự sát xảy ra khá thường xuyên, ít nhất là 2 lần trong 8 năm vừa qua, vào các năm 2002 và 2005.

Vì thế, Bali có thể xứng đáng với tên gọi đảo của các vị thần, nhưng chắc chắn không phải là đảo của những người địa phương cởi mở và thân thiện với khách du lịch. Người Bali có lẽ có thể làm tốt hơn, kiếm nhiều tiền hơn và trở nên giàu có hơn nếu họ bớt làm khó khách du lịch nước ngoài đến đảo. Thế nhưng, nhìn từ góc độ của dân địa phương, thì việc làm giàu bằng cách trở nên dễ dãi với các dòng văn hóa và lối sống khác chưa chắc đã là việc họ muốn làm và nên làm.

Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG