Đường dẫn truy cập

Nga hé lộ kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của Ukraine


Người dân mang theo cờ của Nga và cờ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng trong cuộc mít tinh kỷ niệm 7 năm cuộc trưng cầu dân ý về ly khai ở thành phố Donetsk, Ukraine, ngày 11/5/2021.
Người dân mang theo cờ của Nga và cờ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng trong cuộc mít tinh kỷ niệm 7 năm cuộc trưng cầu dân ý về ly khai ở thành phố Donetsk, Ukraine, ngày 11/5/2021.

Nga ngày 20/9 loan báo kế hoạch của các phần tử ly khai ở Ukraine về tổ chức trưng cầu dân ý mở đường cho việc chính thức sáp nhập các vùng lãnh thổ sau gần 7 tháng chiến tranh với Ukraine.

Ai muốn trưng cầu dân ý?

Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng, hai vùng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận là hai nước độc lập trước khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/2, tuyên bố họ muốn trưng cầu dân ý từ 23 đến 27 tháng 9 này về việc sáp nhập vào Nga.

Hai khu vực Kherson và Zaporizhzhia, chưa được Nga công nhận là hai nước độc lập, cũng tuyên bố sẽ tổ chức biểu quyết cho riêng mình. Nga không nắm quyền kiểm soát toàn bộ bất cứ vùng nào trong bốn khu vực vừa kể, chỉ khoảng 60% vùng Donetsk đang nằm trong tay Nga.

Ukraine có thể mất bao nhiêu lãnh thổ?

Lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát chiếm hơn 90 ngàn cây số vuông, khoảng 15% tổng diện tích của Ukraine, tương đương diện tích của Hungary hay Bồ Đào Nha.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Với Crimea và lãnh thổ tại 4 khu vực vừa kể, Nga có thể thu được một diện tích tương đương với tiểu bang Pennsylvania của Mỹ.

Quan trọng thế nào?

Nếu Nga xúc tiến trưng cầu dân ý và sáp nhập cả 4 vùng này thì lúc đó Ukraine – và có thể là những nước hậu thuẫn phương Tây – sẽ, nhìn từ khía cạnh của Nga, chính là chiến đấu chống lại Nga.

Điều đó làm tăng nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và liên minh quân sự NATO, một kịch bản mà Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói có thể dẫn tới Đệ Tam Thế Chiến vì các nước thành viên NATO đang cung cấp võ khí và tình báo cho Ukraine.

Như vậy, một động thái vội vã của Nga nhằm chính thức sáp nhập một mảng lớn lãnh thổ của Ukraine sẽ là một sự leo thang lớn chỉ vài ngày sau thất bại của Nga ở đông bắc Ukraine.

Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng võ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng hạt nhân hay bằng các võ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc nếu nhà nước Nga bị đứng trước mối đe dọa hiện hữu từ các võ khí truyền thống.

Trong khi leo thang nguy cơ đối đầu, ông Putin cũng có thể loan báo các bước bổ sung. Chứng khoán Nga hôm 20/9 rớt xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng khi Moscow khơi dậy những sợ hãi về tình trạng thiết quân luật với quy định mới thắt chặt các hình phạt đối với quân nhân.

Trừ phi Ukraine đồng ý ngưng chiến đấu giành lại phần lãnh thổ bị mất, thì lúc đó Nga mới có thể dốc đủ lực lượng quân sự để bảo vệ các vùng mới sáp nhập vốn hiện nay chưa nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Nga.

Ukraine nói gì?

Ukraine nói đe dọa trưng cầu dân ý là một trò ‘tống tiền’ và là một dấu hiệu cho thấy Nga đang sợ hãi.

Ukraine nói họ sẽ không dừng bước cho tới khi nào tất cả lính Nga bị đánh bật ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Kyiv quyết không bao giờ chấp nhận để Nga kiểm soát lãnh thổ của mình và kêu gọi phương Tây cấp thêm võ khí tốt hơn để đánh đuổi Nga.

Những gì đã xảy ra tại Crimea?

Xung đột ở miền đông Ukraine bắt đầu vào năm 2014 sau khi một tổng thống thân Nga bị lật đổ trong cuộc cách mạng Maidan của Ukraine và Nga sáp nhập Crimea.

Sau khi lực lượng Nga nắm quyền kiểm soát Crimea vào ngày 27/2/2014, một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga được tổ chức vào ngày 16/3. Crimea là nơi có đa số dân gốc Nga và được chuyển giao cho Ukraine trong thời Xô Viết.

Các lãnh đạo ở Crimea công bố tỷ lệ phiếu bầu 97% muốn rời khỏi Ukraine gia nhập Nga.

Nga chính thức sáp nhập Crimea vào ngày 21/3, chưa tới một tháng sau khi xâm chiếm.

Kyiv và phương Tây nói cuộc trưng cầu dân ý đó vi phạm hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG