Đường dẫn truy cập

Nga bác bỏ việc Mỹ hối thúc tăng áp lực đối với Syria


Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton tham dự một buổi tiếp tân tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, ngày 8/9/2012
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton tham dự một buổi tiếp tân tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, ngày 8/9/2012
Nga bác bỏ một cuộc vận động mới của Hoa Kỳ nhằm đòi có hành động mạnh hơn chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang bị công kích. Ngoại trưởng Hillary Clinton nói Hoa Kỳ tiếp tục vận động bên ngoài Liên Hiệp Quốc nếu Nga và Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn quyết định của tổ chức này. Từ Vladisvostok, nơi ngoại trưởng Hoa Kỳ đến dự hội nghị APEC, thông tín viên VOA Scott Stearns ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ cho hay Ngoại trưởng Clinton đã đến họp với các giới chức Nga bên lề cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương với hy vọng thuyết phục họ xét lại sự chống đối của Nga đối với các biện pháp trừng phạt gắt gao hơn nhắm vào Tổng thống Assad trong khuôn khổ các nỗ lực thúc đẩy ông hướng tới một cuộc chuyển tiếp chính trị.

Ðiều đó đã không xảy ra. Ngoại trưởng Clinton cho hay bà và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có thảo luận việc đề xuất với Liên Hiệp Quốc một kế hoạch chuyển tiếp cho Syria mà Trung Quốc và Nga đã ủng hộ tại các cuộc đàm phán tại Geneva trước đây trong năm.

Bà Clinton nói: “Kế hoạch đó chỉ có hiệu lực nếu nó bao gồm các hậu quả nếu không tuân thủ. Thực là vô ích nếu thông qua một nghị quyết không có sức mạnh bởi vì chúng ta đã chứng kiến nhiều lần Tổng thống Assad sẽ làm lơ và tiếp tục tấn công nhân dân của chính nước mình.”

Nga và Trung Quốc đã ba lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm trừng phạt Tổng thống Syria nếu ông ta không chấp thuận một cuộc ngưng bắn, phóng thích các tù nhân chính trị và một cuộc chuyển tiếp chính trị.

Ông Lavrov nói Hoa Kỳ có khuynh hướng đe dọa và cô lập hóa các nước có vấn đề với họ thay vì giao tiếp với các nước này. Ông nói đó là một đường lối đối với Syria mà Nga hết sức phản đối.

Ngoại trưởng Nga nói các biện pháp chế tài đơn phương của Hoa Kỳ đối với Syria dường như ngày càng có tính vượt pháp quyền và ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi kinh doanh của Nga, nhất là đối với các ngân hàng. Ông Lavrov nói Moscow đã khẳng định rõ rằng đường lối đó là không thể chấp nhận được.

Không thuyết phục được các nhà lãnh đạo Nga thay đổi ý kiến về Syria, Ngoại trưởng Clinton nói bà sẽ tiếp tục cố gắng đạt được tiến bộ trước phiên họp của Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng này.

Bà Clinton nói: “Nhưng chúng ta phải thực tế. Chúng ta chưa đồng ý được với Nga về vấn đề Syria. Sự kiện đó có thể tiếp diễn. Và nếu như nó tiếp diễn thì khi đó ta sẽ bàn luận với các nước có cùng quan điểm để hậu thuẫn cho phe đối lập ở Syria nhằm tiến nhanh đến ngày chế độ của ông Assad sụp đổ.”

Hoa Kỳ thuộc tổ chức gọi là “Bạn bè của Syria” nhưng cho đến giờ này vẫn hạn chế sự can dự trong khuôn khổ phi vũ trang. Các thành viên khác đang giúp vũ trang cho phe nổi dậy ở Syria.

Một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ cho hay Ngoại trưởng Clinton đã nói với Ngoại trưởng Nga Lavrov rằng Hội đồng Bảo an có nguy cơ vô hiệu hóa trách nhiệm của mình nếu không có biện pháp ngăn chặn bạo lực.

Ông Lavrov nói Hoa Kỳ không thể bàn tới “đoàn kết quốc tế” về Syria khi chính Washingon lại tự ý hành động.

Ngoại trưởng Nga nói Hoa Kỳ đã quyết định tự hành động mà không có Nga. Nay, một năm rưỡi sau, khi các biện pháp chế tài đơn phương không đem lại hiệu quả, thì Washington lại tìm cách đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc là ngăn chặn các biện pháp chế tài đó và chống lại cộng đồng quốc tế.

Ông Lavrov nói “cần phải suy nghĩ trước ngay từ đầu và chớ tìm cách suy diễn sự đoàn kết này là yêu sách đòi tất cả mọi người phải tham gia một điều mà ai đó quyết định một mình mà không thảo luận gì cả.”

Đã có các cuộc thảo luận về vụ xung đột ở Syria. Nga và Trung Quốc ủng hộ việc bổ nhiệm một nhà điều giải chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập nhưng cả hai nước này đều chống đối việc can dự trực tiếp hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG